Bút ký
THÂN PHẬN NGƯỜI CẦM BÚT
Điệp Mỹ Linh
Là một người từng đàn Accordéon và hát trong ban ca nhạc Bình Minh, do Ba tôi – cụ Điệp Linh Nguyễn Văn Ngữ – thành lập, chuyên phụ trách văn nghệ cho đài phát thanh cũng như trên sân khấu của các rạp “xi-nê” tại Nha Trang, vào khoảng giữa thập niên 50 đến đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, tôi không thể nhớ được đã bao nhiêu lần tôi đàn/hát nhạc của Từ Công Phụng.
Khi anh Trần Ngọc Autumn chuyển đến tôi vidéo Kiếp Dã Tràng, đọc bài giới thiệu đính kèm, tôi mới biết tôi được sinh cùng năm với nhạc sĩ Từ Công Phụng.
Chỉ một thoáng sau, tôi chợt nhớ vài nghệ sĩ khác cũng sinh cùng năm với nhạc sĩ Từ Công Phụng. Đó là: Ca nhạc sĩ Bobby Fuller, nữ ca sĩ/tài tử Ngọc Lan, ca sĩ Bạch Yến, nữ tài tử “xi-nê” Sandra Dee, ca sĩ Chế Linh, nhà văn Nguyên Vũ Vũ Ngự Chiêu, v.v...
Tôi tự hỏi, tại sao những nghệ sĩ sinh cùng năm với Từ Công Phụng lại may mắn, được theo đuổi ước vọng của họ còn tôi thì...không?
Nếu bảo rằng tôi bất tài thì làm thế nào tôi chinh phục được thính giả của đài phát thanh Nha Trang trong suốt thời gian dài như thế? Trong những buổi văn nghệ do ban Bình Minh hoặc trường trung học Võ Tánh tổ chức – có tôi trình diễn – tôi cũng nhận được sự cổ võ và sự ủng hộ rất nồng nhiệt. Nếu tôi không đủ khả năng, tại sao nhạc sĩ Minh Kỳ cũng như nhạc sĩ Canh Thân đã nhiều lần yêu cầu Ba Má tôi để hai vị nhạc sĩ ấy “đưa” tôi vào nghiệp cầm ca; nhưng Ba Má tôi cương quyết từ chối?
Tôi có thể khẳn định rằng: Từ giữa thập niên 50 đến đầu thập niên 60 của thế kỷ thứ XX, tại Việt Nam – ngoài Thanh Điệp tại Nha Trang – không có bất cứ một phụ nữ nào độc tấu nhạc ngoại quốc bằng Accordéon.
Cùng thời với tôi, chỉ có ca sĩ Thúy Nga – phu nhân của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ – đàn Accordéon. Nhưng, khi trình diễn, ca sĩ Thúy Nga chỉ dạo một phân đoạn của bản nhạc Việt Nam rồi Thúy Nga hát chứ Thúy Nga chưa bao giờ độc tấu nhạc Việt hoặc nhạc ngoại quốc.
Nếu bảo rằng tôi không có nhan sắc thì cũng
tội cho tôi; vì tôi được nhiều thanh niên trí thức, giáo sư và nhiều sĩ quan/sinh viên sĩ quan theo đuổi. Bằng cớ là một sinh viên sĩ quan Quân Y, bút hiệu Hoàng Việt Sơn – bạn thân của Cố Chuẩn Tướng Thủy Quân Lục Chiến Nguyễn Bá Liên – năm 1956, sau khi tham dự Đêm Trung Thu tại căn cứ Sóng Thần, Nha Trang, có sự giúp vui của ban ca nhạc Bình Minh, đã sáng tác bài thơ Tiếng Đàn Đêm Trung Thu để tặng Thanh Điệp và các cô trong ban ca nhạc Bình Minh.
Sau mấy mươi năm không gặp, Hoàng Việt Sơn đã bất ngờ thấy và nhận ra tôi trong Đại Hội Phượng Vỹ tại Houston, vào thập niên 90, khi tôi được yêu cầu đơn ca nhạc phẩm Tình Quê Hương của Đan Thọ. Kính mời quý độc giả vào link này, đọc Tạ Lỗi Với Người Thơ để hiểu rõ tâm tình của vị bác sĩ quân y kiêm nhà thơ Hoàng Việt Sơn đối với Điệp Mỹ Linh:
Link: https://vietbao.com/a307123/tuy-but-ta-loi-voi-nguoi-tho
Sau đó, Hoàng Việt Sơn sáng tác tập thơ Nửa Đời Thương Đau, do Nguyệt San Hồn Việt của nhà báo Ngọc Hoài Phương xuất bản, tặng Thanh Điệp/Điệp Mỹ Linh.
Vấn đề hôn nhân, tôi tin vào Duyên/Nghiệp và “mệnh lệnh” của trái tim!
Tôi thành hôn với một sĩ quan tác chiến, rất “ba gai”, xuất thân khóa 8 sĩ quan Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa (VNCH); vì vị sĩ quan “ba gai” này đã “cả gan” rời giang pháo hạm Long Đạo, HQ327 – Hạm Trưởng là Hải Quân đại úy Vũ Trọng Đệ – mà không được sự chấp thuận của Hạm Trưởng Đệ, khi HQ327 neo ngoài khơi Nha Trang.
Vị sĩ quan “ba gai” này đón ghe câu, vào bờ, đến nhà thăm tôi chỉ vài phút; rồi đón xe lửa ra Qui Nhơn để kịp trình diện Hạm Trưởng Đệ khi HQ327 đến Qui Nhơn vào sáng hôm sau.
Hôm sau, sau khi trình diện Hạm Trưởng Đệ, vị sĩ quan “ba gai” bị Quân Cảnh giải giao về Saigon để ra tòa án Quân Sự!
Tôi không nhớ Ông “ba gai” phải nhận bao nhiêu ngày trọng cấm. Nhưng, Hạm Trưởng Vũ Trọng Đệ và các vị sĩ quan cao cấp Hải Quân VNCH vẫn chưa quên được sự kiện trên chiến hạm HQ327 do Ông “ba gai” tạo nên vào đầu thập niên 60!
Khi theo đuổi tôi, Ông “ba gai” hứa sẽ để tôi tiếp tục đàn/hát và đi học. Thời điểm đó tôi đang theo học năm thứ II đại học Luật Khoa Saigon. Nhưng, sau khi sinh đứa con đầu lòng, Ông “ba gai” bảo: “Thôi, ở nhà lo cho con và lo cho anh. Em có học đến tiến sĩ đi nữa mà anh không cho em đi làm thì em học để làm gì? Hãy gác mọi điều để lo cho con!”
Vì không được đi học tiếp, ở nhà buồn, tôi đàn, Ông “ba gai” bảo tôi “dẹp”. Nếu tôi vẫn tiếp tục đàn Ông “ba gai” mở radio/TV hết “ga” để át tiếng đàn của tôi! Tôi khóc thầm vì nghĩ rằng Ông “ba gai” đã quên lời hứa với tôi! Buồn quá, đôi khi tôi vừa quẹt nước mắt vừa “ngân nga” nho nhỏ những câu hát thể hiện được tất cả tâm trạng và hoàn cảnh của tôi:
“... One day when we were young
That wonderful morning in May
You told me you loved me
When we were young one day...” (1)
Không ngờ, Ông “ba gai” nghe được, ông ấy hát theo nho nhỏ và ông ấy thuộc.
Từ đó tôi chỉ đàn vào những lúc “Ông ba gai” đi làm/đi hành quân.
Khi quận Cam Lâm trở thành thị xã Cam Ranh, Ba tôi – từ Phó Quận Trưởng quận Cam Lâm – trở thành Phó Thị Trưởng Nội An thị xã Cam Ranh kiêm giáo sư Pháp Văn trường trung học đệ nhị cấp Cam Ranh.
Mỗi cuối tuần Ông “ba gai” – chỉ huy trưởng Duyên Đoàn 26, tại đảo Bình Ba – đưa Mẹ con tôi sang Ba Ngòi thăm Ba Má tôi. Chính thời gian này tôi nhận ra Ông “ba gai” rất tốt đối với Ba Má và các em tôi. Đây là một niềm vui không nhỏ, nhưng tôi vẫn u sầu!
Thấy tôi cứ buồn buồn, Ba tôi hỏi riêng tôi. Tôi không thể nói dối. Ba tôi lặng người rất lâu, rồi bảo: “Thôi, chồng con không thích con đàn thì thôi, con đừng đàn để giữ hạnh phúc gia đình. Ba dạy con viết văn.”
Thời điểm đó, Ba tôi viết cho báo Đuốc Thiên, Tia Sáng, Tia Sáng, v.v... với bút hiệu Điệp Linh, do tên tôi và tên em tôi ghép lại.
Những lúc Ông “ba gai” ham chơi cờ tướng/domino với Linh hoặc với bạn hữu, Ba tôi dạy tôi viết – đủ thể loại.
Vì ngại rằng Ông “ba gai” cũng sẽ không thích tôi viết, tôi viết lén, với vài bút hiệu khác nhau, như: Nguyễn Thị Kiều Lam, Thủy Điện, Điệp Mỹ Linh.
Trong cuộc hành quân của Duyên Đoàn 26 vào “ổ” Việt cộng (tiền thân của cộng sản Việt Nam) tại bán đảo Vĩnh Hy, thuộc quần đảo Cam Ranh, tôi ngồi bên trong ghe Chủ Lực (ghe chỉ huy) với cây bút và cuốn sổ tay. Đoàn ghe “ủi” thẳng vào bờ. Ông “ba gai” đứng gần mũi ghe Chủ Lực, tay phải áp ống liên hợp vào tai để chỉ huy. Hải Quân thiếu tá Hồ Văn Kỳ Thoại – chỉ huy trưởng Duyên Khu II; về sau được thăng Phó Đề Đốc – và cố vấn Mỹ cùng đứng cạnh Ông “ba gai” trong khi đạn của Việt cộng từ trên núi bắn “xối xả” xuống đoàn ghe. Cả ba vị sĩ quan không vị nào đội nón sắt hoặc mặc áo giáp! Bất ngờ, cố vấn Mỹ bị trúng đạn, quỵ xuống, máu tuôn tràn! Thiếu tá Thoại bảo Ông “ba gai” ra lệnh cho đoàn ghe rút lui để tải thương.
Trận chiến “chớp nhoáng” tại Vĩnh Hy là bài tường thuật đầu tiên của tôi, dùng bút hiệu Nguyễn Thị Kiều Lam – tên em tôi. Ngại Ông “ba gai” biết, tôi phải dùng địa chỉ của Ba Má tôi.
Ba tôi không hề biết nỗi khổ tâm của tôi, cho nên, khi chúng tôi về thăm, Ba tôi vui vẻ, đưa tờ báo cho Ông “ba gai” và tôi xem. Thấy tựa bài và bút hiệu Ông “ba ga” liết tôi bằng ... “nửa con mắt”, không đọc tiếp!
Nhận được lệnh thuyên chuyển về Vĩnh Long làm chỉ huy phó Giang Đoàn 23 Xung Phong, Ông “ba gai” buộc tôi phải để Accordéon lại cho Ba tôi!
Khoảng một năm sau, Ông “ba gai” được thuyên chuyển về Saigon để thành lập và chỉ huy Giang Đoàn 30 Xung Phong. Ba tôi bảo em tôi đem Accordéon vào cho tôi – như món quà của Ba tôi.
Tôi lại đàn lén vào những lúc Ông “ba gai” vắng nhà. Đôi khi tôi mê đàn, quên xem giờ, Ông “ba gai” về, nghe tiếng Accordéon từ trên lầu, vội đi thẳng lên lầu, đứng nơi cửa phòng, nghiêm nét mặt, nhìn tôi như nhìn một tội phạm! Tôi ngưng đàn, hỏi:
-Đàn và viết không phải là tội lỗi, tại sao ông cứ ngăn cản tôi?
-Người ta đàn hát để kiếm tiền nuôi thân/nuôi gia đình. Cô đàn và viết để làm gì? Tôi có bỏ cô đói đâu!
-Tại sao hồi đó ông hứa với tôi rằng cho ông làm đám hỏi rồi tôi muốn tiếp tục đi học hoặc đàn ca gì cũng được; bây giờ ông lại nói như vậy?
Tính bộc trực của Ông “ba gai” nổi lên:
-Phải nói như vậy cô mới chịu cho tôi làm đám hỏi; nếu không, thằng khác nó “rinh” cô đi “mất tiêu” rồi!
-Giữa đàn và viết, tôi chỉ có thể bỏ một chứ tôi không thể bỏ cả hai.
-Rồi, bỏ đàn đi!
-Muốn tường thuật chính xác, tôi phải tháp tùng các cuộc hành quân.
-Anh sẽ xin phép Tư Lệnh Vùng.
Cuộc hành quân hỗn hợp/dài hạn tại mật khu Tam Giác Sắt, Giang Đoàn 30 Xung Phong cùng nhiều chiến đỉnh của Giang Đoàn 24 và Giang Đoàn 32 Xung Phong biệt phái – được đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Ông “ba gai”.
Sau khi bài tường thuật – với bút hiệu Thủy Điện – về cuộc hành quân Tam Giác Sắt được phổ biến, Ông “ba gai” được đài phát thanh Quân Đội phỏng vấn.
Dù không biết Thủy Điện là ai, nhưng, sau khi đọc trọn bài tường thuật với những chi tiết chỉ có “người trong cuộc” mới biết, Ông “ba gai” hỏi:
-Tên của cô, cô viết “trại” đi để “che mắt” “tui”, phải không?
Sau đó, Ông “ba gai” tổ chức Mừng Chiến Thắng Tam Giác Sắt tại Câu Lạc Bộ Nổi của Hải Quân, bến Bạch Đằng. Bất ngờ, tôi nghe Ông “ba gai” gọi chú tài xế của ông ấy và bảo:
-Mày về đem cây đàn của cô mày qua đây cho tao.
Tôi tròn mắt, nghẹn lời một chốc rồi hỏi:
-Đàn hát thì phải tập luyện thường xuyên. Mỗi khi tôi đàn, ông “cự nự”. Ông nghĩ tôi là ... cái máy hay sao mà khi ông thích thì ông nhấn nút để nghe; khi không thích, ông tắt?
Im lặng.
Khi chú tài xế đem Accordéon đến, Ông “ba gai” xách Accordéon và dẫn tôi ra phía sau Câu Lạc Bộ Nổi, nghiêm giọng, bảo:
- Hôm nay “ông Già” – Tư lệnh Hải Quân Trần Văn Chơn – sẽ chủ tọa buổi liên hoan mừng Chiến Thắng Tam Giác Sắt. Anh đã ghi tên em vào chương trình rồi. Đừng làm anh bị “mất mặt”! Em dợt lại đi...
Tôi chỉ biết thở dài và “tuân lệnh”!
Khuya 29/04/1975, khi cùng gia đình rời nhà, đi ngang qua tủ sách, tôi dừng lại, nhìn Accordéon, nước mắt tuôn dài! Ông “ba gai” nạt:
-Đi nhanh lên. Không được đem Accordéon!
Trên đường vào Sở Hàng Hà để xuống tiểu đỉnh sang bến Bạch Đằng, tôi quay lui. Không hiểu tại sao tôi không tiếc ngôi nhà ba tầng mà tôi chỉ tiếc cây đàn Accordéon mà Ba tôi đã mua để dạy tôi đàn!
Đến Hoa Kỳ, Ông “ba gai” căn dặn:
-Xuất trại, lo làm việc nuôi mấy đứa nhỏ và gửi về Việt Nam giúp Ông Bà Già – Ba Má tôi – đàn ca/viết lách... “dẹp” hết!
Uất quá, tôi đáp:
-Tôi không làm gì nên tội. Nhưng, nếu hoàn cảnh buộc tôi phải “dẹp”, tôi sẽ “dẹp” ông chứ tôi không dẹp viết; đàn thì tôi chưa có tiền mua.
Tuy nói “cứng” như thế, nhưng, khi bài của Điệp Mỹ Linh được đăng trên Hồn Việt của nhà báo Ngọc Hoài Phương (Calif.) và đặc san sinh viên bên Tây Đức – do bác sĩ Hà Ngọc Minh, phu quân của ca sĩ Kim Loan, giới thiệu – tôi cũng phải giấu kỷ, không dám cho Ông “ba gai” thấy!
Tôi không nhớ năm nào, cựu sinh viên sĩ quan khóa 8 Hải Quân họp mặt tại nhà tôi, tại Houston. Mọi người đang vui vẻ trò chuyện trong khi thưởng thức món ăn do tôi nấu, bất ngờ tôi thấy Ông “ba gai” đi lên lầu. Tôi linh cảm điều gì đó, vội chạy theo, hỏi nhỏ:
-Ông lên lầu làm chi vậy?
-Anh đem Accordéon xuống, em đàn cho bạn anh nghe.
- Hôm trước, ông Dương Đức Nhự – nguyên giáo sư đại học Văn Khoa Saigon và cũng là một người từng chơi Accordéon – tình cờ ghé thăm, ông cũng bắt tôi đàn. Đàn nửa chừng tôi phải dừng, vì không nhớ được bản nhạc, bị “bể dĩa/quê xệ”, ông không “ngán” hay sao mà bây giờ còn bắt tôi đàn?
Ông “ba gai” im lặng, bước xuống lầu, để Accordéon ngay phòng khách, quay sang tôi, bảo:
-Em! Đàn cho các bạn anh nghe đi mà!
Đàn nửa chừng tôi phải dừng vì quá phẫn uất và cũng vì tôi không nhớ được bản nhạc!
Tôi giận, “không thèm” nhìn mặt Ông “ba gai” suốt mấy ngày.
Một buổi chiều, sau khi đi làm về, tôi đang nấu ăn, chợt nghe tiếng hát từ phòng gia đình: “... One day when we were young that wonderful morning in May...” Ngạc nhiên, không biết ai hát, tôi nhìn về hướng phát ra tiếng hát thì thấy Ông “ba gai” đang dang tay – một tay thấp, một tay cao – trong tư thế như đang dìu một phụ nữ trên sàn nhảy, vừa bước theo điệu “Valse” vừa hát: “You told me you loved me when we were young one day...”
Một người rất yêu đời và bộc trực – như Ông “ba gai” – mà khi từ biệt cõi đời lại “ra đi” rất bất ngờ!
Sau thời gian thọ tang Ông “ba gai”, tôi viết “thả giàn”.
Ngờ đâu, sau khi bài Tạp Ghi Biển Vẫn Đợi Chờ của Điệp Mỹ Linh được phổ biến, sáng ngày 07/08/2023, một phụ nữ điện thoại đến desk phone của tôi, xin nói chuyện với “cô Điệp Nguyễn” – chứ không nêu bút hiệu Điệp Mỹ Linh. Tôi xác nhận tôi là Điệp Nguyễn. Cô ấy rất lễ độ, nói:
-Thưa cô, tôi thuộc An Ninh Mạng tại Whasington DC.
-An Ninh Mang của cộng sản Việt Nam (csVN), phải không, cô?
-Vâng. Đúng ạ!
-Cô gọi tôi có việc gì? Làm thế nào cô có được số điện thoại của tôi – vì unlisted?
-Tôi muốn hỏi cô xem cô đã nhận được hai thư do An Ninh Mạng gửi đến cô chưa? Còn số điện thoại của cô thì do đại sứ quán Việt Nam đưa cho tôi, bảo tôi gọi thì tôi gọi.
-Thư gì? Tôi không nhận được gì cả.
-Thế thì cô muốn tôi gửi lại cho cô hay không?
-Vâng, cô cứ gửi lại cho tôi; nhận được tôi sẽ chuyển đến FBI!
Cô ấy “cúp” điện thoại ngay!
Đây không phải là lần đầu tiên tôi bị dư luận viên csVN hăm dọa bằng điện thoại và internet. Vấn đề dư luận viên csVN khủng bố tôi, con tôi đã “vào cuộc” (chữ của csVN). Chính quyền địa phương bảo con tôi đừng đổi số điện thoại của tôi để họ dễ làm việc.
Kính mời quý độc giả vào các links sau đây để đọc cho vui và cũng để cảm thông cho số phận “hẩm hiu” của một người cầm bút trên một đất nước rất tôn trọng Tự Do Ngôn Luận mà cũng vẫn bị csVN ra lệnh cho dư luận viện áp đảo tinh thần!
https://nhanquyenvn.org/viet-nam-ung-ho-nga-vi-mien-bac-tung-xam-luoc-mien-nam.html
https://www.facebook.com/permalink.php?id=502267849966924&story_fbid=1383590185168015
https://ivanlevanlan.wordpress.com/2021/09/10/diep-my-linh-dung-cua-them-vao-vet-thuong-da-lanh/
https://nhanvanviet.com/moc-son-lich-su/diep-my-linh-lo-ro-la-ke-xuyen-tac-bia-dat/
Điệp Mỹ Linh