Trump và chính trường thế giới
Lang Anh
Donald Trump đắc cử, hầu hết các cuộc thăm dò bất ngờ, cho đến khi có kết quả kiểm phiếu chính thức. Giống như mọi trường hợp gây tranh cãi, Trump thắng phiếu Đại cử tri dù thua phổ thông đầu phiếu. Tuy nhiên, kết quả hợp hiến và thế là đủ.
Phần còn lại của thế giới chẳng biết phải làm gì với Trump. Ông ta nhận nhiều sự nhục mạ trong và ngoài nước Mỹ. Vô số chính khách đồng minh của Mỹ từng giành cho Trump những nhận xét không mấy thiện chí, nếu không muốn nói là mạ lỵ. Trump cũng không vừa với một loạt ngôn từ gây sốc làm mếch lòng đồng minh. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe thậm chí còn phải cuống cuồng chữa cháy bằng một cuộc gặp Trump khẩn cấp chỉ vì ông đã trót gặp Hilary Clinton hồi tháng 9 khi chắc mầm bà Clinton thắng cuộc.
Dù sao thì thế giới cũng phải chấp nhận rằng Trump sẽ là tổng thống một siêu cường mạnh nhất hành tinh và phải tập thích nghi với ông ta.
Trái với những phát ngôn gây sốc của Trump, nên tỉnh táo để nhìn nhận rằng ông ta là một người có thừa khả năng kiểm soát mọi thứ quanh mình, bao gồm cả năng lực tạo ra và kiểm soát scandal. Trump không lạ gì truyền thông vì ông ta là một trùm Showbiz. Ông ta cũng lăn lộn cày xới trong môi trường kinh doanh của Mỹ với đủ thứ ngành nghề, bất động sản, cờ bạc, game show... Dù 6 lần tuyên bố phá sản nhưng lần nào Trump cũng gượng dậy được và khôi phục lại đế chế của mình. Hiếm có ai từng trải qua nhiều thăng trầm như Trump và cũng hiếm có ai từng nhiều lần hồi phục như Trump. Ông ta thể hiện tất cả những điều đó trong cuộc bầu cử Mỹ: chịu vô số vùi dập, vô số tấn công, tung ra đủ thứ ngôn từ gây sốc, đối mặt vô số Scandal và kiên cường chiến thắng.
Trump không bí hiểm, trái lại cuộc đời ông ta phơi bày trên mặt báo với tính cách và đặc điểm dễ nhận ra: Thực dụng, lọc lõi, không bao giờ chịu thua và đặc biệt, Trump là một chính khách phi truyền thống: Sẵn sàng ngồi xổm lên dư luận và sẵn sàng "diễn giải lại" mọi cam kết theo hướng có lợi cho mình. Với các đồng minh, Trump vừa dễ đánh giá lại vừa không đáng tin. Với các đối thủ, Trump dễ bị bắt bài nhưng lại vô cùng khó chơi. Trump không phải loại người thích dùng quỷ kế, nhưng ông ta dùng dương mưu và dù muốn dù không, cả đối phương hay đồng minh đều sẽ phải chấp nhận sự tồn tại của ông ta và cả những điều ông ta toan tính. Giờ đây đằng sau ông ta là quyền lực của một siêu cường, khiến Trump càng khó chơi hơn bao giờ hết.
Người ta lo lắng rằng Trump sẽ làm tan vỡ quan hệ đồng minh. Chuyện đùa vì các đồng minh truyền thống của Mỹ quá quan trọng với Mỹ cũng như với chính họ. Những quan hệ kiểu đó không thể bị đổ vỡ bởi một cá nhân. Chỉ có điều là một doanh nhân, Trump sẽ bắt các đồng minh share hoá đơn nhiều hơn. Điều đó gây khó chịu vì đồng minh Mỹ đã quen với những bữa trưa miễn phí, nhưng vì nó sòng phẳng nên họ sẽ chấp nhận thôi. Sẽ có khó chịu, sẽ có va chạm nhưng các mối liên kết về cơ bản sẽ vẫn còn đó.
Ngược lại, Trump chắc chắn sẽ định nghĩa lại quan hệ đồng minh và bạn bè. Ít bị chi phối bởi chủ nghĩa lý tưởng, Trump sẽ định nghĩa tầm quan trọng của các đồng minh bằng tương quan lợi ích họ đem lại cho nước Mỹ. Thế giới cần quen với điều này.
Trump cũng sẽ định nghĩa lại, nói đúng hơn là xếp hạng lại thứ tự kẻ thù hay đối thủ. Có một số nước sẽ mừng, ví dụ như Nga và nhiều nước sẽ đau đầu, ví dụ như Trung Quốc. Không chịu ảnh hưởng bởi cái gọi là lý tưởng, Trump đủ lọc lõi để phân định rõ: Nước Nga ngoài một ít vũ khí thì chẳng có gì soán ngôi được ảnh hưởng của Mỹ cả về kinh tế, chính trị hay văn hoá. Biến Nga thành kẻ thù có chi phí lớn hơn nhiều so với hoà giải với nhau. Ngược lại Trung Quốc sẽ là đối tượng Trump ưu tiên, vì tiền bạc và việc làm của Mỹ đều đang bị tước đoạt bởi Trung Quốc. Trump sẽ hoà giải ở phía Tây, chấp nhận các lợi ích và vùng đệm của Nga trong lúc dồn nỗ lực sang phía đông, vì ông ta muốn kiếm tiền ở đó.
Việc Trump tuyên bố rút khỏi TPP khiến TQ hết sức vui mừng. Họ mường tượng Mỹ rút về cố thủ và nhường khoảng không thương mại mênh mông Châu Á Thái Bình Dương cho Trung Quốc. Nhưng Trump thành tỷ phú với 6 lần tuyên bố phá sản (và trước lẫn sau tuyên bố phá sản, Trump vẫn là tỷ phú) đâu phải để nhường lợi ích cho ai. Và với lối chơi phi truyền thống, TQ chưa kịp mừng thì Trump đã điện đàm với Tổng Thống Đài Loan và post lên Twitter với những lời lẽ đầy khiêu khích. Trong lúc TQ úp mở rằng họ có thể không hợp tác với Mỹ trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên hay các vấn đề Trung Đông hoặc Iran, điều đó có lẽ sẽ khiến một tổng thống Mỹ truyền thống phải e dè nhưng chắc chắn không phải Trump: Bắc Triều Tiên chẳng có nghĩa lý gì nếu Trump sẵn sàng rút quân, bắt Nhật Hàn trả nhiều tiền hơn, thậm chí để các nước này vũ trang hạt nhân. Và Trung Đông lẫn Iran đều không còn là vấn đề khi Trump bắt tay với Nga. Vì thế mà việc Trump post trên Twitter không gì khác hơn ngoài thông điệp: "Tôi đã làm thế đó, thì sao?"
Trump sẽ khó mơ tới nhiệm kỳ thứ hai vì nhiều lý do trong đó có vấn đề tuổi tác. Với lối hành xử phi truyền thống, Trump chắc chắn sẽ làm xáo trộn mạnh thế giới trong nhiệm kỳ của mình: Ông ta không sợ mất lòng, không sợ dư luận, không cần tính toán để đắc cử nhiệm kỳ 2, không ngại vượt qua ranh giới và những lề luật cũ, nói chuyện với Trump, đừng đề cập tới lý tưởng mà hãy đề cập tới lợi ích. Vì vậy mà Trump sẽ là một kẻ khó chơi với cả bạn bè hay đối thủ. Nhưng nước Mỹ và thế giới đều sẽ phải thích nghi với Trump, vì chẳng có lựa chọn nào khác.
Toà tháp Trump chính là biểu tượng cho tính cách của Trump. Vì thế mà Trump sẽ không chấp nhận các chính sách của mình kế thừa lại những gì Obama để lại. Ông ta sẽ vẽ ra những thứ mới, dù nó có na ná những thứ Obama làm, để nó là của Trump chứ không phải Obama. Vì thế, xét cho cùng, bất cứ nước nào chia sẻ được các lợi ích với Mỹ đều nên vui mừng, chỉ có đối thủ của Mỹ là nên e ngại.
* Có sự khác biệt lớn giữa "tuyên bố phá sản" và "phá sản". Theo luật pháp Mỹ, nếu một người tuyên bố phá sản thì sẽ được luật pháp bảo hộ và có thời gian để đàm phán thu xếp các khoản nợ vay, việc đó hoàn toàn khác với chuyện phá sản thật sự. Thường giới doanh nhân hiếm ai chấp nhận thừa nhận mình đang ở tình trạng nguy ngập đến mức phá sản vì nó khiến họ mất sạch uy tín, nhưng Trump tận dụng tốt mọi lợi thế từ việc tuyên bố phá sản tới 6 lần. Ông ta thuộc loại người tận dụng mọi lợi thế dù là nhỏ nhất và sẵn sàng ngồi xổm lên dư luận.
Giờ Trump mang theo những thứ đó vào chính trường Mỹ, nói đúng hơn là thế giới.
Lang Anh