Mánh tuyên truyền của chính quyền trong vụ 6700 cây xanh (kỳ 1)
Chủ trương và việc thực hiện chủ trương chặt hạ 6700 cây xanh ở Hà Nội lâu nay vẫn được/bị coi như biểu hiện của sự yếu kém về năng lực quản trị của chính quyền, bao gồm cả năng lực truyền thông. Thanh tra Thành phố đã kết luận, “nhược điểm, thiếu sót lớn... là công tác thông tin tuyên truyền... trước và trong quá trình thực hiện chưa tốt”. Tuy nhiên, ít ai để ý rằng với “vụ cây xanh”, thực chất, chính quyền của công an và tuyên giáo này đã một lần nữa tỏ ra là bậc thầy trong hoạt động tuyên truyền, với những kỹ thuật từ thời phát xít Đức và cộng sản Liên Xô để lại, được họ áp dụng xuất sắc.
Gần nửa năm đã trôi qua kể từ những cuộc tuần hành đầu tiên của người dân thủ đô (cuối tháng 3/2015), nhìn lại những mánh tuyên truyền của Hà Nội là một dịp tốt để các nhà hoạt động xã hội-chính trị và những người quan tâm có thể tìm hiểu thêm về “nghệ thuật tuyên truyền thời cộng sản”.
Nắm lấy ngọn cờ ngôn ngữ
Trong tuyên truyền, có khái niệm framing, tạm dịch sang tiếng Việt là “đóng khung”, “định hình”, “tạo khuôn”, là việc sử dụng từ ngữ một cách có chủ ý để gán bằng được một điều gì đó vào đầu người dân (vốn là đối tượng của sự tuyên truyền), tác động lên nhận thức của họ, làm thay đổi cách họ nhìn nhận vấn đề.
Lịch sử tuyên truyền trên thế giới có đầy rẫy ví dụ về kỹ thuật framing này. Một ví dụ gần đây do một giáo sư ngôn ngữ học và là người ủng hộ nhiệt thành đảng Dân chủ ở Mỹ, ông George Lakoff, đưa ra, là việc tổng thống Mỹ George Bush và đảng Cộng hòa đã khôn khéo dùng từ “tax relief” thật nhiều lần để nói về chương trình ưu đãi thuế của chính quyền Bush. Từ “relief” nghĩa là “giải cứu”, dùng từ này là hàm ý phải có một tai họa, nạn nhân, và một anh hùng giải cứu các nạn nhân. Kẻ nào cản trở người anh hùng này, ắt kẻ đó là nhân vật phản diện.
Ông Lakoff diễn giải tiếp: Thêm từ “tax” (thuế) vào, sẽ tạo ra hàm ý rằng thuế má là một tai họa, người dẹp được tai họa ấy là anh hùng, ai phản đối sẽ là kẻ phản diện. Từ “tax relief” được dùng rất rộng rãi, trong mọi thông cáo báo chí, trên các đài phát thanh, các kênh truyền hình từ CNN đến NBC, các tờ báo từ New York Times đến Fox, và rồi đảng Dân chủ - đối thủ của đảng Cộng hòa và ông Bush - cũng dùng từ này. Thế là xong: Họ đã chấp nhận cái khung mà phe Cộng hòa tạo ra.
Giáo sư Lakoff nhấn mạnh bài học rút ra từ đó: Để framing và chống bị framing thì “không được sử dụng ngôn ngữ của đối phương. Ngôn ngữ của họ xác lập nên cái khung, và đó không phải cái khung bạn muốn”. [*]
Ở Việt Nam, tuyên giáo và lực lượng bảo vệ chế độ đã biết đến kỹ thuật framing từ lâu lắm, nên họ luôn nắm lấy ngọn cờ ngôn ngữ, ngay từ đầu. Khi những người cộng sản thống nhất đất nước và nắm quyền lãnh đạo “toàn diện, tuyệt đối” vào năm 1975, kho ngôn ngữ của miền Nam lập tức được bổ sung rất nhiều “từ vựng”: hộ khẩu, đề xuất, quyết sách, bồi dưỡng, kiểm thảo, và một từ “đặc sệt cộng sản” là quán triệt... Trong khi đó, nhiều từ ngữ của Sài Gòn trước 1975 dần biến mất: sổ gia đình, bằng khoán nhà, gá nghĩa, giáo học... Thứ tiếng Việt của Sài Gòn cũ bị quên lãng và chết dần trong nước (hiện vẫn còn được dùng phổ biến ở cộng đồng người Việt hải ngoại).
Viết những điều này không nhằm mục đích bàn xem tiếng Việt nào hay hơn, đẹp hơn mà chỉ để nhắc lại một trong vô số kỹ thuật tuyên truyền đã được áp dụng bài bản: framing - bắt người dân phải sử dụng ngôn ngữ do mình tạo nên và định hình tư duy của họ.
Từ “chặt hạ” thành “cải tạo, thay thế”
Nếu để ý, chúng ta có thể thấy cách chính quyền Hà Nội nhào nặn dư luận, sử dụng kỹ thuật framing. Trong mọi văn bản chính thức, trong mọi lần lên tiếng hiếm hoi - từ phát biểu tại họp báo đến trả lời chất vấn của nhóm Vì Một Hà Nội Xanh, từ sử dụng truyền thông chính thống đến huy động lực lượng dư luận viên cao cấp, trung cấp hay hạ cấp - họ đều thống nhất dùng từ “cải tạo, thay thế” thay vì “chặt hạ”, “chặt bỏ”, “đốn bỏ” cây xanh.
Đó chính là kỹ thuật tuyên truyền có tên gọi framing: dùng mọi cách để nhồi vào đầu người dân ý niệm “cải tạo, thay thế”, chứ không phải “chặt hạ” cây xanh.
Nhưng hành động chặt cây là có thật và đã quá rõ ràng, nên ngay từ đầu, báo chí và nhiều người dân vẫn dùng từ “chặt hạ”. Và thế là nổ ra một cuộc chiến truyền thông ngấm ngầm giữa một bên là dư luận viên và những người quan niệm “nhà nước làm gì cũng đúng”, một bên là những người lên án chủ trương chặt cây và công khai chỉ trích chính quyền. Trên nhiều diễn đàn, cứ khi nào có người dùng từ “chặt hạ cây xanh” là sẽ có ngay vài anh dư luận viên lấy giọng ôn tồn, đầy tinh thần “khách quan, khoa học, duy lý” vào sửa sai: “Phải viết/ nói là ‘cải tạo, thay thế’ cây xanh mới chuẩn, mới đúng chứ”.
Vâng, họ "cải tạo" những cây như thế này...
(Ảnh: Lê Hiếu)
Bản kết luận của Thanh tra Hà Nội (đề ngày 8/5) là nguồn cơ sở lý luận duy nhất mà cho đến nay, các quan chức, cán bộ của Thành phố cùng đội ngũ an ninh đều bám chặt vào để “đấu” với nhóm Vì Một Hà Nội Xanh. Trong văn bản này, cụm từ “cải tạo, thay thế cây xanh đô thị” được dùng nhất quán từ đầu chí cuối. Báo chí và một phần dư luận đọc bản kết luận, có thể cảm thấy gờn gợn, nhưng khi cụm từ ấy được lặp đi lặp lại nhiều lần thì rồi họ cũng bị thuyết phục dần bởi “cái khung” đã định sẵn.
Trong khi đó, cách dùng từ “cải tạo, thay thế” rõ ràng không phản ánh đúng bản chất vụ việc. Sự thực là hàng trăm cây xanh đã bị chặt hạ kể từ năm 2014 đến nay, vượt xa số lượng cây trồng thay thế. (Có thể ước lượng những con số này dựa vào chính Kết luận Thanh tra của Hà Nội). Sở Xây dựng Hà Nội có dùng từ “dịch chuyển” cây, nhưng nếu dịch chuyển mà không có phương án thay cây mới vào vị trí cây cũ, thì cũng coi như cây cũ bị chặt bỏ.
Bằng kỹ thuật framing, Hà Nội đã khéo léo “đóng khung” dư luận vào cách hiểu sai, rằng về cơ bản dự án 6708 cây xanh là một chủ trương đúng đắn: Đây là cải tạo và thay cây cơ mà, có phải chặt phá hàng loạt đâu!
Bên cạnh framing, họ dùng cả lối nói khéo, nói giảm (uyển ngữ), chẳng hạn: cải tạo, thay thếtừng bước.
Sử dụng uyển ngữ (euphemism) và lặp đi lặp lại (ad nauseam) cũng là hai kỹ thuật tuyên truyền mà tất cả các nhà nước độc tài trên toàn thế giới rất ưa dùng.
... để "thay thế" bằng những cây như thế này.
(Nguồn ảnh: Người Đưa Tin)
Chỉ cần lặp lại nhiều lần, sai cũng thành đúng
Kỹ thuật tuyên truyền này (lặp đi lặp lại, Ad Nauseam) đòi hỏi phải nhắc đi nhắc lại không ngừng một quan điểm, một ý kiến nào đó. Bất kỳ quan điểm hay ý tưởng nào, đặc biệt là một khẩu hiệu đơn giản, nếu được lặp đi lặp lại đủ nhiều lần, có thể sẽ bắt đầu được coi là đúng, là sự thật.
Mánh này có hiệu quả nhất khi hệ thống báo chí nằm trong tay chính quyền. Cơ quan tuyên truyền chỉ việc “huy động” (uyển ngữ của “ép”) các báo, đài vào việc nhắc đi nhắc lại một số ý đã vạch sẵn. Chẳng hạn như để chống biểu tình, tuần hành ở Việt Nam, báo chí phải tập trung “nêu bật”, “làm rõ” (uyển ngữ của “nhồi sọ”) các ý sau:
- Yêu nước là tốt, nhưng phải đúng cách. Đừng để lòng yêu nước bị lợi dụng.
- Chuyện biển đảo đã có Đảng và Nhà nước lo.
- Bảo vệ môi trường là đúng, nhưng có một số cá nhân, tổ chức phản động lợi dụng giật dây, lôi kéo người dân chống phá chế độ.
- Tuần hành, biểu tình mà không xin phép là gây rối trật tự công cộng.
- Đề án 6700 cây xanh về mặt chủ trương là tốt, nhưng thực hiện chưa tốt. Tuy nhiên, chính quyền đã tiếp thu ý kiến công luận và Thành phố đã dừng chặt cây rồi.
Cứ thế, cách diễn đạt có thể khác đi nhưng nội dung, thông điệp thống nhất là như vậy và phải được lặp đi lặp lại thật nhiều lần, trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng, các kênh truyền thông, giao tiếp. Người dân nghe những nội dung sai lệch, xuyên tạc ấy mãi, rồi sẽ tin rằng chúng đúng.
Vậy thì, Thanh tra Hà Nội nói “nhược điểm, thiếu sót lớn... là công tác thông tin tuyên truyền... trước và trong quá trình thực hiện chưa tốt” nghĩa là sao, trong khi bài viết này lại chỉ nhấn mạnh rằng chính quyền hiện nay là bậc thầy tuyên truyền.
Sự thật là: Những gì gọi là truyền thông chính trị, là minh bạch, công khai, thì Đảng và Nhà nước mới làm kém. Còn tuyên truyền, nhào nặn dân chúng, định hướng dư luận theo hướng tà trị, thì họ luôn xuất sắc.
Ở kỳ sau, chúng ta sẽ tiếp tục với một số kỹ thuật tuyên truyền khác, được chính quyền áp dụng thành thục trong vụ cây xanh.
Kỳ 2: Kích động thành kiến, gắn nhãn lên đối phương
[1] "Don't Think of an Elephant: Know Your Values and Frame the Debate", George Lakoff, 2004
Nguồn: http://www.phamdoantrang.com/2015/09/manh-tuyen-truyen-cua-chinh-quyen-trong.html