THƯƠNG TIẾC CAI TÙ
August 21, 2015 by hoanghaithuy
Đinh Quang Anh Thái – Ý kiến: ‘Tiếc thương Đại úy Trại Chí Hòa’
BBC giới thiệu: Nhà báo Đinh Quang Anh Thái bị tù từ 1977 đến 1984 vì tham gia Mặt trận Dân tộc Tiến bộ do Bác sỹ Nguyễn Đan Quế sáng lập và ông phụ trách in tờ báo bí mật Toàn dân Vùng dậy. Ra tù tháng 2/1984 ông vượt biên tới Hoa Kỳ năm 1985. Hiện ông làm việc cho báo Người Việt ở Orange County, California. Cảm xúc này của ông đã được chia sẻ trên trang Facebook cá nhân.
Nhà Báo Đinh Quang Anh Thái, Cựu Tù Nhân Nhà Tù Chí Hòa
Bài viết của Ký Giả Đinh Quang Anh Thái. NET Ngày 5 Tháng 8, 2015.
Tiếc thương Đại úy Trại Chí Hòa.
Buổi chiều cuối tháng 7 ở California, nhận được tin nhắn của người bạn ở Sài Gòn: Ông Ba Thùy, người “cấm anh không được thất bại” đã chết, tiếc quá!
Ba Thùy, vỏn vẹn tên gọi hai chữ, tên thật là gì tôi không biết, chỉ biết ông mang quân hàm Đại úy và là Trưởng khu BC Trại giam T30 Chí Hòa giai đoạn 1982. Tôi đoán ông trên tôi khoảng trên dưới 10 tuổi.
Ba Thùy nổi tiếng khe khắt với tù nhân và sẵn sàng kỷ luật không nương tay với “những tù nhân phản động không chịu cải tạo” trong trại.
Tết Ta 1983, lần thứ ba, Ba Thùy đưa tôi ra khỏi phòng lớn để cùm trong biệt giam. Sáng 30 Tết, tù nhân Phòng 10 Khu BC vui sướng vì tin do trại giam cho biết người tù sẽ được thăm nuôi đặc biệt trong ngày nhờ “chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà Nước.”
Tôi hồi hộp chờ đợi giỏ thăm nuôi của gia đình. Gần trưa, đích thân Ba Thùy gọi tên tôi ra khỏi phòng để đi biệt giam. Uất ức và ngỡ ngàng, tôi hỏi, tôi tội gì mà bị đi biệt giam, Ba Thùy nói: phạm kỷ luật trại giam.
Thì ra, tội cũ ba năm trước đánh ăngten trong trại. Tôi mặc vội hai quần xả lỏn và hai áo may ô trùm lên nhau và xách ca nhựa ra khỏi phòng. Ba Thùy ra lệnh cởi đồ và tước đi một quần, một áo.
Nằm trong biệt giam ở lầu ba trại T30, hai chân bị cùm, lưng dựa vách tường, đêm lạnh cóng vì đói ăn thiếu mặc, tôi xé đũng quần xà lỏn kéo lên che ngực. Giấc ngủ chập chờn, người đổ vào chậu đựng phân, cứt và nước tiểu vương vãi khắp phòng, dính cả vào ca nhựa đựng cơm.
Sáng Mùng Một Tết, Ba Thùy mở cửa phòng giam, tôi nói, Tết là truyền thống của dân tộc, cán bộ cho tôi thùng nước rửa phòng giam và ca đựng cơm. Ba Thùy nói, không truyền thống gì với anh và ra lệnh cho người tù phát cơm đổ vào thau nhựa của tôi chén bobo và vài cộng rau muống.
Căm thù. Uất hận. Lòng chỉ muốn cầm dao đâm chết Ba Thùy. Thậm chí giết cả nhà Ba Thùy.
Vậy mà, nỗi thù hận tan vào hương khói, chỉ vì, chiều Mùng Một, nghe giọng Ba Thùy vọng lên từ khu nhà dành cho cán bộ quản lý trại giam:
“Em để con gà cho anh uống rượu với bạn.”
Giọng người đàn bà chắc chắn là vợ Ba Thùy:
“Cả nhà có con gà, anh ăn nhậu với bạn thì các con lấy gì ăn.”
Hóa ra họ khổ hơn cả tù nhân. Vì dù sao, người tù miền Nam, dù gì thì khi được thăm nuôi ngày Tết cũng được bữa cơm no với giỏ thức ăn do gia đình chắt chiu gửi vào.
Ba tuần biệt giam, tôi được thả về phòng giam chung, thân thể tàn tạ. Tri Hai tâm sự với ông Như Phong Lê Văn Tiến, “Nhà báo của các nhà báo miền Nam” bị giam cùng phòng, tôi nói, cháu sẽ thử tay Ba Thùy này và chấp nhận hậu quả.
Một tuần sau, tôi xin gặp Ba Thùy để xin “làm việc”, nghĩa là có vấn đề khai báo. Được gọi lên văn phòng, tôi nói với Ba Thùy:
“Cán bộ mắng nhiếc tôi là “tay sai Mỹ-Ngụy,” với tôi, cán bộ cũng chẳng qua là “tay sai” Liên Xô-Trung Quốc.””
Ba Thùy rút cái coòng tay và đánh vào trán tôi phọt cả máu. Vết thương ba mươi năm sau đến bây giờ vẫn còn dấu.
Thật ngạc nhiên, giải tôi tôi về phòng giam, Ba Thùy mở cửa và nói với toàn phòng, “Anh này nếu cải tạo tốt sẽ trở thành người tốt,”và không phạt gì tôi.
Vài tuần sau, Ba Thùy đột nhiên gọi tôi ra “làm việc”. Sau khi rảo một vòng quanh khu BC để cam chắc không có ai chung quanh, Ba Thùy quay về bàn làm và bắt đầu câu chuyện với giọng trọ trẹ vùng Quảng Bình:
“Tôi nói một lần và chỉ một lần với anh: đất nước này đang bị những tay quan liêu cách mạng cai trị. Tôi và một thằng bạn rời làng quê Quảng Bình đi chống Mỹ cứu nước. Ngày ra đi, bạn tôi khóc vì không nỡ rời lũy tre làng. Vậy mà bây giờ nó đã vượt biên và sống ở nước ngoài. Vì sao hả? Vì chúng tôi đi xuống miền Nam thấy ruộng đồng bát ngát, cá lội dưới sông, vậy mà dân vẫn đói. Chỉ vì chính sách ngăn sông cách chợ. Và chính tại trại giam này đã từng giam những người không sai phạm luật pháp. Cho nên, quan liêu cách mạng còn kinh hơn quan liêu phong kiến”.
Từ buổi nói chuyện hôm đó, Ba Thùy bớt gay gắt với tù nhân, và với riêng tôi, thi thoảng ông còn cho thuốc lá hút.
Một buổi chiều tháng Hai năm 1984, tôi bị gọi ra khỏi phòng. Ngồi bệt dưới đất nghe Ba Thùy hỏi:
“Anh có biết anh bị gọi làm gì không?”
Tôi nói, đời tù chuyển bao nhiêu phòng rồi, nên không biết rồi sẽ đi về đâu. Ba Thùy nói, anh được tạm tha.
Lúc ký giấy xuất trại, tôi nói với Ba Thùy, hồ sơ trại có địa chỉ nhà tôi, tôi mời cán bộ hôm nào đến tôi uống chung rượu.
Chừng một tháng sau, Ba Thùy xuất hiện trước cửa, bố mẹ anh chị em tôi hốt hoảng vì thấy công an áo vàng mang quân hàm đại úy đến hỏi.
Tôi mời ông ra đầu ngõ. Một đĩa tiết canh vịt, một đĩa lòng, hai xị đế. Ba Thùy hỏi, anh toan tính gì cho tương lai?
Tôi nói, bây giờ không còn là tù nhân nữa, xin phép gọi bằng anh và trải lòng, không công ăn việc làm, đêm nào cũng phải trình diện công an phường, tôi chẳng còn cách nào khác ngoài con đường vượt biên.
Ba Thùy đột nhiên đứng phắt dậy, nói gần như quát:
“Cấm anh không được thất bại. Tôi không muốn nhìn thấy anh trở lại trại giam.”
Tôi muốn khóc. Chợt thương Ba Thùy, chợt thương những phận người cả đời dấn thân cho lý tưởng để rồi bẽ bàng khi nhìn ra sự thật.
Buổi chiều sống xa quê nhà, chợt nhớ câu nói một người thuộc thế hệ cha ông:
“Trong cuộc chiến Quốc-Cộng, người Quốc Gia làm nhiều điều không chuẩn nhưng may mắn là làm trên Con Đường Đúng là mưu tìm No Ấm-Tự Do-Dân Chủ cho người dân. Còn người Cộng Sản làm nhiều điều thành công nhưng bất hạnh cho dân tộc vì họ chọn Con Đường Sai.”
Nghe tin ông Ba Thùy qua đời, thương ông, nhớ ông, một người Cộng Sản đã lỡ lầm hy sinh cống hiến cho Con Đường Sai. Dù không tin tôn giáo nào, tôi vẫn lắng lòng cầu nguyện cho ông tìm được an bình nơi cõi khác.
Đinh Quang Anh Thái
Nhà báo, sống tại California, Hoa Kỳ
CTHĐ Sao Y Bản Chính.
o O o
Là một Cựu Tù Nhân Nhà Tù Chí Hòa, tôi cảm khái khi tôi đọc những chuyện kể về Nhà Tù Chí Hòa. Tôi đã viết tôi thương, tôi mến Nhà Tù Chí Hòa. Nhà Tù đó là của tôi, tôi hèn, tôi đụt, tôi không giữ được nó; tôi để cho bọn Bắc Cộng chiếm nó, làm chủ nó. Tôi bị bọn Bắc Cộng cho tôi vào nằm phơi rốn trong Nhà Tù của tôi. Đáng kiếp tôi. Tôi không chết không nhắm được mắt, răng nhe, mồm há hốc, trong Nhà Tù Chí Hòa là may. Xác người tù Chí Hòa chết bị đưa xuống Nhà Xác, nằm đó chờ bọn gọi là pháp y đến mổ xẻ. Chúng không mổ xẻ để tìm tại sao người tù chết, chúng dùng xác người tù để học giải phẫu cơ thể. Nhiều người tù Chí Hòa đã chết thảm như thế. Trong số có ông đàn anh tôi là ông Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, bạn tôi là anh Dương Hùng Cường.
Nhà Tù Chí Hòa của tôi đã không giết tôi, tôi đã không chết lạnh, thân xác cứng ngắc trong Nhà Tù đó là phúc bẩy mươi đời tôi, tôi còn ọ ẹ nỗi gì.
Trong những bài Viết ở Rừng Phong, đôi khi tôi gọi Nhà Tù Chí Hòa bằng những cái tên Thánh Thất Chí Hòa, Trường Cao Đẳng Chí Hòa, Lầu Bát Giác Chí Hòa…Những cái tên thân thương.
Nhà Báo Đinh Quang Anh Thái kể ông vào Nhà Tù Chí Hòa năm 1982. Tôi vào Nhà Tù Chí Hòa năm 1985. Như vậy ông là Tù Nhân Đàn Anh tôi. Tôi nhiều tuổi hơn ông nhưng về thành tích Tù Chí Hòa, ông là đàn anh tôi, tôi là đàn em ông. Lão ô bách tuế bất như phượng hoàng sơ sinh. Nhân đọc bài viết về Nhà Tù Chí Hòa của ông, tôi bắt chước ông viết vài chuyện của tôi có liên can đến Nhà Tù Chí Hòa.
Năm 1977 tôi nằm sà-lim ở Khu C Một Trung Tâm Thẩm Vấn Số 4 Phan Đăng Lưu. Muốn tôi thành thật khai báo, tên Công An thẩm vấn tôi là Huỳnh Bá Thành cho đàn em đến nhà tôi lấy đồ tiếp tế mang vào tù cho tôi. Bọn Công An Việt Cộng gọi việc gia đình người tù gửi thức ăn vào tù cho người tù là thăm nuôi. Tù nằm sà-lim đang chịu thẩm vấn chỉ được thăm nuôi do bọn CA thẩm vấn đem vào cho. Quà của tôi được CA cho tù đưa qua cửa gió vào sà-lim cho tôi. Anh bạn nằm sà-lim cạnh sà-lim tôi ghé mắt vào khe cửa gió nhìn thấy tôi có mấy trái chanh. Lúc vắng cai tù, anh nói qua cửa gió sang tôi:
“Anh cho tôi xin một, hai trái chanh. Tôi bị cao áp huyết, tôi cần chanh để uống.”
Mỗi ngày bọn Cai Tù đi điểm danh, điểm số lúc 6 giờ sáng và 6 giờ chiều. Tôi đợi khi tên Cai Tù đến cửa sà-lim tôi, tôi nói:
“Xin cho tôi gửi cho anh phòng bên mấy trái chanh.”
Tên Cai Tù hỏi:
“Sao anh biết anh ấy cần chanh?”
“Anh ấy bị cao áp huyết, anh ấy cần chanh để uống.”
Không oong đơ gì cả, tên Cai Tù đóng ập cánh cửa gió sà-lim của tôi lại. Y dùng phấn viết lên cửa sắt “Không mở.” Khi Cai Tù khác mở cửa gió xem tôi có trong sà-lim không, tôi xin mở cửa gió, Cai Tù trả lời:
“Anh phạm kỷ luật, anh bị phạt. Anh phải xin cán bộ phạt anh bỏ phạt, xóa hàng chữ “không mở” đi mới được. Tôi không có quyền mở cho anh.”
Trong Luật Cấm của Nhà Tù, điều thứ nhất là “Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ.” Và “Tù biệt giam không được nói chuyện, trao đổi tin tức với tù nhân khác.”
Sà-lim chỉ có ô cửa gió bằng quyển sách mở ra ngoài trời; cửa gió bị đóng, trong sà-lim tối thui. Năm ấy tôi hút thuốc lá dũ dội. Sà-lim tôi đầy khói. Khó chịu quá đi mất.
Tên VC Nằm Vùng Huỳnh Bá Thành giam tôi 12 tháng 2 ngày trong sà-lim. Rồi nó gọi tôi ra gặp nó, nó nói:
“Hôm nay chúng tôi cho anh sang phòng tập thể, anh nghĩ sao?”
Tôi nói:
“Ngày tôi mới bị bắt, tôi xin anh cho tôi sang phòng tập thể, anh không cho. Đến nay tôi đã nằm sà-lim một năm, tôi quen rồi.”
Hai năm sau tôi xách cái sắc du hành Pan American – Made in Cholon – trở về mái nhà xưa và vòng tay gầy của người vợ hiền. Buổi tối tôi với con tôi đi ăn phở. Đang ăn, tôi thấy thằng công an áo vàng, nón cối vào tiệm. Nó vào tiệm để ăn phở như tôi. Tôi đứng dậy chào nó. Nó chẳng thèm nhòm ngó gì đến tôi. Chỉ khi ngồi xuống ghế, tôi mới thấy tôi sợ những thằng công an Việt Cộng đến như thế nào.
Tôi nói với con trai tôi:
“Bố sợ chúng nó quá.”
Năm 1984 tôi bị bắt lần thứ hai. Nằm Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu một năm, năm 1985 tôi sang Nhà Tù Chí Hòa. Buổi trưa, đứng trong sân nhìn lên tôi thấy những tầng lầu, những hàng song sắt đen sì, tôi nghĩ:
“Đây là Nhà Tù Chí Hòa. Mình đang ở trong Nhà Tù Chí Hòa. Ngày nào mình ra khỏi đây, mình sẽ kiêu hãnh vì mình đã sống trong Nhà Tù Chí Hòa.”
Năm 1985 Khu BC Nhà Tù Chí Hòa là Khu Giam Tù Hình Sư – trộm cướp, giết người – tù chính trị năm 1985 bị giam ở khu ED. Không có Khu Gia Cư của Cai Tù Chí Hòa ở cùng sân với những phòng giam tù. Tôi théc méc khi đọc:
Đinh Quang Anh Thái:
Vậy mà, nỗi thù hận tan vào hương khói, chỉ vì, chiều Mùng Một, nghe giọng Ba Thùy vọng lên từ khu nhà dành cho cán bộ quản lý trại giam:
“Em để con gà cho anh uống rượu với bạn.”
Giọng người đàn bà chắc chắn là vợ Ba Thùy:
“Cả nhà có con gà, anh ăn nhậu với bạn thì các con lấy gì ăn.”
CTHĐ: Vợ chồng thằng Cai Tù nói với nhau trong nhà nó, tôi có đứng ngay cửa nhà nó tôi cũng không nghe được lời chúng nó nói với nhau. Ông Tù ĐQAT nằm phơi rốn trên phòng giam Lầu Ba Khu BC nghe được tiếng vợ chồng thằng Cai Tù nói với nhau ở Khu Gia Cư Cai Tù – khu này theo cái biết của tôi, nằm ngoài vòng thành bao quanh Lầu Bát Giác – tôi phục ông quá. Ông có đôi tai Thiên Lý Nhĩ. Ông thật xứng đáng là đàn anh tôi.
Nhà Tù Chí Hòa là nơi giam tù, không phải là nơi thẩm vấn tù. Nhà Tù Chí Hòa cũng có sà-lim, những sà-lim này dùng để nhốt những người tù Chí Hòa phá rối, không tuân lệnh. Thang lầu Nhà Tù xoáy trôn ốc, ở mỗi tầng thang lầu có một sà-lim. Người tù Chí Hòa khi bị tống vào những sà-lim này chỉ được mặc có cái sà lỏn.
Không có chuyện “cải tạo “trong những nhà tù Bắc Cộng. Người bị tù trong những Nhà Tù CS chỉ có việc ngồi rù gãi háng, nằm phơi rốn.
Cái tên “Tri Hai “trong bài viết của ông nhà báo ĐQAT làm tôi nhớ Sư Bà Trí Hải. Những năm trước sau năm 1985, thời gian Sư Bà bị bọn Công An Việt Cộng giam trong Nhà Tù Chí Hòa, Sư Bà còn trẻ. Trong những năm ấy Sư Bà là Sư Cô. Sư Cô Trí Hải bị bắt Tháng Ba năm 1984, cùng một ngày với các ông Trí Siêu Lê Mạnh Thát, Tuệ Sĩ Phạm Văn Thương.
Sau một năm chịu thẩm vấn ở Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu, Sư Cô bị đưa sang Nhà Tù Chí Hòa. Bốn năm sau ngày bị bắt, Ni cô bị đưa ra tòa. Tòa CS xử Cô 4 năm tù. Đã tù 4 năm, Ni Cô được về chùa ngay.
o O o
ĐQ Anh Thái:
Ba tuần biệt giam, tôi được thả về phòng giam chung, thân thể tàn tạ. Tri Hai tâm sự với ông Như Phong Lê Văn Tiến, “Nhà báo của các nhà báo miền Nam” bị giam cùng phòng, tôi nói, cháu sẽ thử tay Ba Thùy này và chấp nhận hậu quả.
CTHĐ: Tôi không hiểu ông ĐQAT viết chuyện gì trong đoạn ông kể trên đây. “Tri Hai tâm sự với ông Như Phong Lê Văn Tiến.. bị giam cùng phóng..”
“Tri Hai” đây làm tôi nhớ đến Ni Sư Trí Hải, người bị bắt trong Vụ Già Lam, cúng với các ông Thích Đức Nhuện, Trí Siêu Lê Mạnh Thát, Tuệ Sĩ Phạm Văn Thương. Như lời ông ĐQAT kể trên đây thì ông nằm tù chung phòng giam Nhà Tù Chí Hòa với ông Như Phong Lê Văn Tiến?? Năm 1985, 1986 tôi thấy ông Như Phong Lê Văn Tiến nằm trong Phòng 1 Nhà Tù Chí Hòa. Phòng 1 ở dưới đất, gần ngay bể nước, nơi tù các phòng giam khu ED được một tuần ra tắm một lần. Ông Như Phong trong Phòng 1 có vài lần gọi tôi hỏi vài câu khi tôi được ra tắm. Ông bị bắt ngay những tháng cuối năm 1975. Ông bị giam dài dài từ đó. Năm 1988 ông được thả. Đầu năm 1991 tôi được thả. Tôi gặp lại ông Như Phong ở Sài Gòn trong tiệc cưới con trai Thanh Thương Hoàng. Ông sang Kỳ Hoa trước tôi. Năm 1995 tôi gặp lại ông ở Cali. Rồi ông sang sống ở Virginia. Tôi được gặp ông vài lần ở Virginia. Ông không có vợ con, sang Kỳ Hoa ông sống với một người cháu. Ông dặn cháu ông không cho ai biết tin ông khi ông nằm chờ chết.
Tầng dưới đất của Khu ED có 4 phòng giam tập thể. 2 phòng giam Tù Đàn Ông, hai phòng giam tù đàn bà. Sáng chủ nhật người tù trong hai phòng giam này được ra sân chứng 30 phút. Phòng 1 được mkë cửa cho người tù ra sân, 30 phút sau người tù Phoàng 1 trở vào phóng giam, cửa Phòng 1 đóng lại, đến lượ người tù Phòng 2 được ra sân. Suốt 4 năm nằm phơi rốn trong Phòng 10, khu Ed, Nhà tù Chí Hòa, tôi không thấy sáng chủ nhật nào Ni Cô Trí Hải ra sân.
Năm 1989 tôi ở Trại Tù Khổ Sai Z 30 A. Một hôm vợ tôi lên Trại thăm tôi. Khi đang ở Nhà Khách, tôi được biết Ni Cô Trí Hải lên Trại gặp các ông Tù Thích Đức Nhuận, Trí Siêu, Tuệ Sĩ, tôi đến chào Cô:
“Thưa Cô, tôi là Hoàng Hải Thủy. Xin chào cô.”
Xin ngừng. Kể chuyện Tù Đầy mãi – kể trong 20 năm, kể từ Ngày Sang Kỳ Hoa Đất Trích – tôi cũng chán, nói chi người nghe kể, người đọc chuyện.
Tôi sang chuyện khác.
o O o
Từ 10 năm nay sống cô liêu trong một nhà dành cho Người Cao Tuổi Thu Nhập Thấp – Old Seniors Low Income – mỗi ngày tôi mở computer ba lần.
Lần Một: 9 giờ sáng đến 11.30 trưa. Tắt máy. Ăn cơm. Nằm đọc tờ The Washington Post. Ngủ hoặc nằm lơ mơ đến 2.30.
Lần Hai: 3 giờ trưa đến 5 giờ chiều. Tắt máy. Đi bộ một giờ trong Rừng Phong, hay vào Exercise Room ngay trong nhà, đi trên treadmill 30 phút, tập tay với cặp tạ 5 ký. Về phòng – 6 giờ – tắm, ăn cơm.
Lần Ba: mở computer lúc 9 giờ tối, mầy mò, moi móc đến 11.00. Tắt máy. Nằm đọc sách. Ngủ.
Chẳng phải một mình tội nghiện computer. Nhiều người già ở Kỳ Hoa, Việt Nam, nghiện computer như tôi. Tôi Tám Bó Tuổi Đời, 10 năm nay không uống rượu, dù là Vang, Laze; 10 năm không xỏ tay vào áo veston, không thắt ca-vát, đi giầy không đi bí-tất, quanh quẩn vanh-cát suya vanh-cát – 24/24 – trong nhà. Không có computer, tôi làm gì cho hết ngày. Cũng may cho tôi, tôi có computer. Và tôi thích Viết. Tôi thích Viết Truyện từ năm tôi mười tuổi. Nhiều lần tôi viết:
“Với tôi, Viết là Hạnh Phúc.
“Tôi Sống để Viết. Tôi Viết để Sống.”
Thợ Viết được Viết bằng computer là một Sướng Khoái Tuyệt Vời. Cái Sướng Khoái ông Tầu Kim Thánh Thán không được hưởng. Viết bằng computer người viết tha hồ sửa bài. Computer giúp tôi viết bài, gửi bài đi, giữ bài, tìm tài liệu, học, giải trí…
Viết bài xong, đọc lại, dò lỗi chính tả, sửa lỗi. Xong. Nhấn Send. Trong một nháy mắt, một satna, bài viết tới trước mắt người nhận, dù người nhận ở bên kia trái đất.
Cũng may cho tôi là tôi có Người Đàn Bà cùng sống với tôi nơi Đất Trích. Nàng đã sống với tôi 60 mùa thu vàng ấm. Từ Tháng Bẩy 1954.
Không khác gì những cặp vợ chồng già, nàng và tôi đôi khi ủng oẳng với nhau. Từ hai năm nay, tai tôi lãng. Chưa Điếc, chỉ Lãng. Nhiều khi tôi nghe tiếng Nàng nói mà không nghe rõ Nàng nói gì. Tôi hỏi lại:
“Em nói gì?
Nàng bực;
“Nói không chịu nghe. Cứ bắt người ta nhắc lại.”
Khi nghe tôi than vợ chồng tôi ủng oẳng, Thái Thủy nói:
“Sẽ có ngày mày muốn ủng oẳng với bà ấy mà mày không còn bà ấy ở đó cho mày ủng oẳng.”
Thái Thủy ở Cali. Hai năm cuối đời, anh bại liệt. Mỗi chiều Thứ Bẩy, Chủ Nhật – phone Mỹ gọi không mất tiền – Thái Thủy thường phone cho các bạn anh, trong số có tôi. Vợ anh nhấn số điện thoại cho anh, để phone trên ngực anh, anh chỉ việc nói, nghe.
Hoàng Song Liêm nói:
“Vợ chồng già nào mà chẳng thế.”
Nằm phơi rốn trong Nhà Tù Chí Hòa 4 năm, tôi không biết một vụ Tù Chí Hòa nổi loạn, tù nhân chiếm Nhà Tù trong 40 ngày. Đây là vụ Tù Chí Hòa nổi loạn, chiếm Nhà Tù duy nhất từ ngày Nhà Tù Chí Hòa mở cửa đón khách.
Vụ Nổi Loạn ấy được ghi trong tác phẩm:
Hai Mươi Năm Qua. Việc Từng Ngày. 1945-1964. Tác giả Đoàn Thêm.
Ngày 24 Tháng Tư, 1956.
2.000 tù nhân tại Khám Chí Hòa nổi loạn, dùng mảnh chai, sắt nhọn, v..v..chống lại các giám thị và binh sĩ canh gác. Quân đội phải dùng lựu đạn cay mắt.
Ngày 30 Tháng 5, 1956.
Tù ở Khám Chí Hòa nổi loạn từ 24-4-1956 và bạo động bằng vỏ chai, thanh sắt nhọn, mảnh bát đĩa ..v..v..Lại cấm người được tha ra về, ngăn không cho đưa người tù ra tòa. Hôm nay đã dẹp yên sau 40 ngày rối ren.
Nhà Bếp Nhà Tù Chí Hòa ở trong Khu FG. Kho chứa gạo nằm trong Khu Nhà Bếp. kho gạo của Nhà Tù không thể chứa số gạo cho 2.000 người tù ăn lâu hơn 40 ngày.
Nguồn: https://hoanghaithuy.wordpress.com/2015/08/21/thuong-tiec-cai-tu/