AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Ac Dieu

ImageProxy.gif

NON NƯỚC HÀ TIÊN (KIÊN GIANG)

Lê Văn Hảo

Non_nuoc_Ha_Tien

Hình: Hòn Phu Tử, Hà Tiên.

"… Qua thơ văn Tao Đàn Chiêu Anh Các sáng tác cách nay gần ba thế kỷ, cảnh sắc Hà Tiên thắm tươi rạng rỡ đã đi vào lòng người và văn học nghệ thuật …”

Bờ biển Việt Nam từ Bắc tới Nam dài 3.000 cây số, bắt đầu từ Móng Cái giáp Trung Quốc và kết thúc ở Hà Tiên giáp Campuchia. Qua thơ văn Tao Đàn Chiêu Anh Các sáng tác cách nay gần ba thế kỷ, cảnh sắc Hà Tiên thắm tươi rạng rỡ đã đi vào lòng người và văn học nghệ thuật.

Các tập thơ chữ Nôm, chữ Hán Hà Tiên Thập Vịnh (Vịnh Mười Cảnh Đẹp Hà Tiên) đã thắm thiết ngợi ca những Kim Dự, Bình Sơn, Tiên Tự, Giang Thành, Thạch Động, Châu Nham, Đông Hồ, Lộc Trĩ, Lư Khê, Nam Phố, dưới ngọn bút của Mạc Thiên Tứ gốc Hoa (1706-1780), người đã sáng lập Tao Đàn Chiêu Anh Các năm 1736 tại Hà Tiên cùng với gần 40 bạn thơ văn người Việt, người Hoa như Nguyễn Cư Trinh (1716-1767), Dư Tích Thuần, Trần Trí Hoài Thủy, người viết lời bạt cho Hà Tiên Thập Vịnh gồm 330 bài thơ chữ Hán của 33 tác giả in năm 1737.

 

Chiêu Anh Các là một hiện tượng đặc sắc trong lịch sử văn hóa văn học Đàng Trong vào nửa đầu thế kỷ 18. Thơ văn của tao đàn này chủ yếu là thơ đề vịnh ca ngợi thiên nhiên vùng đất Hà Tiên với những đặc điểm như tính chất ước lệ, phong cách khoa trương, ước muốn thông qua thi vị hóa cảnh vật mà phơi bày tâm trạng thỏa mãn của những người may mắn được chúa Nguyễn trao cho quyền cai quản một vùng đất mới đang mở rộng về phương Nam.

 

Những đặc điểm đó làm cho thơ văn Chiêu Anh Các gần gũi với thơ văn Hội Tao Đàn thời Lê Thánh Tông (trị vì 1460-1497). Điều đáng nói hơn cả là các nhà thơ, nhà văn trong tao đàn này đã cho ta thấy tình cảm lạc quan yêu đời của những tâm hồn gắn bó với cuộc sống mới mẻ, niềm tự hào về hòa bình no ấm của xứ Hà Tiên, tinh thần trách nhiệm và ý chí muốn giữ vững nơi biên cương tổ quốc sao cho yên ổn, mạnh giàu.

 

Những sắc thái tích cực đó thấm đượm trong cảm hứng thẩm mỹ chung của tập thể tác giả, đã đưa tới những thành công đáng kể về nghệ thuật làm cho nhiều bài thơ đạt tới vẻ đẹp chân thật, giản dị và trang nhã của văn học cổ điển.

 

Đảo Vàng chắn sóng (Kim Dự lan đào)

 

 (tạm dịch)

 

Hòn đảo chót vót đặt giữa sóng biếc

Chắn ngang dòng nước làm nên Hà Tiên hùng tráng

Vùng biển Tây Nam ba đào đã tĩnh lặng

Dưới nước trên không sáng rỡ mặt trăng mặt trời

Trăng in Đông Hồ (Đông Hồ ấn nguyệt)

 

(tạm dịch)

 

Mưa tạnh khói tan tất thảy đều xa vời

Phong cảnh vùng biển đầy nét hoang vu

Gió yên sóng lặng treo hai bóng trăng

Biển biếc mây xanh chứa đựng một trời bát ngát

(trích Hà Tiên thập vịnh)

 

Thật ra sự lựa chọn của người xưa khá chủ quan và khiếm khuyết, vì Hà Tiên đâu chỉ có mười cảnh ấy là đẹp nhất, mà còn nhiều thắng cảnh khác cũng rất hữu tình dẫu chưa được hình tượng hoá trong văn thơ cổ.

 

Đó là những bãi Dầu, bãi Ớt, hòn Trẹm, hòn Phụ Tử, chùa Hang, chùa Tam Bảo, núi Mo So, núi Đá Dựng, Đại Tô Châu, Tiểu Tô Châu…

 

Rời Sài Gòn xuống tới tỉnh Kiên Giang, bạn sẽ chiêm ngưỡng Hà Tiên, một miền thùy dương hài hòa ; ở đây không có mặt trời bình minh, chỉ có những đêm trăng diệu vợi, những hoàng hôn sáng rạng giữa cảnh biển êm đềm được tô điểm bằng vài thoáng sóng gợn lăn tăn…

 

Đứng ven bờ Vịnh Thái Lan, Kiên Giang có thị xã tỉnh lỵ Rạch Giá, thị trấn du lịch Hà Tiên và huyện đảo Phú Quốc (cách Hà Tiên 45 km).

 

Rạch Giá chẳng có gì nhiều để xem, đây chỉ là cái bờ, cái bến để đưa bạn đi Hà Tiên hay Phú Quốc mà thôi. Đáng tham quan nhất ở đây là chùa Phật Lớn, một ngôi chùa Khmer Nam Bộ điển hình.

 

Rời Rạch Giá đi ngót 100 km đường bộ sẽ tới một dải đất kỳ lạ làm bạn phải thốt lên rằng chốn này chẳng khác chi tiên cảnh !

 

Thảo nào nhà thơ Đông Hồ (1906-1969) đã dành cho quê hương Hà Tiên những lời văn thật trang nhã mà bóng bẩy : "Ở đây kỳ thú thay có như hầu đủ hết ! Có một ít hang sâu động hiểm của Lạng Sơn, một ít đảo đá chơi vơi giữa biển của Hạ Long. Có một ít núi đá vôi của Ninh Bình, một ít thạch thất sơn môn của Hương Tích.

 

Có một ít Tây Hồ, một ít Hương Giang. Có một ít chùa chiền của Bắc Ninh, một ít lăng tẩm của Phú Xuân. Có một ít Đồ Sơn, Cửa Tùng ; một ít Nha Trang, Long Hải".

 

Thêm vào những nét chấm phá nhiệt nồng của nhà thơ lịch lãm tài hoa ấy một vài ngôi chùa Khmer trầm mặc dưới bóng rặng dừa hay đàng sau dãy thốt nốt, bạn sẽ có một Hà Tiên trọn vẹn.

 

Sau khi thưởng thức tô bún nước kèn lạ miệng mà ngon rồi đi thăm chùa Phù Dung, đình Mỹ Đức, nhà lưu niệm thi sĩ Đông Hồ cùng mấy chục lăng mộ nhiều màu vẻ của dòng họ Mạc Cửu, đi thêm khoảng một giờ tàu du lịch trong Vịnh Thái Lan, bạn sẽ tới huyện đảo mà cũng là Vườn Quốc Gia Phú Quốc từng nổi tiếng về bốn đặc sản:

 

- san hô muôn màu vẻ,

- hồ tiêu thơm cay nồng,

- nước mắm nhĩ thượng hạng

- và chó săn Phú Quốc khôn ngoan mà dũng cảm hơn mọi loài cẩu khác.

 

Paris, 14.04.2007

Nguồn:  Vietnam Review

AcDieu

Tin vui

Tin Buồn

Bài Củ

06-2014

05-2014

04-2014

03-2014

02-2014

01-2014

RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
BBc_Tieng_Viet
Dan_lam_bao

TIME