AcDieu225
Co Vang amazon Tammy

Free Hit Counters
Web Site Hit Counters

Ac Dieu

ImageProxy.gif

Người chị nuôi

 

Nguyên Quân.‏

  Chị Lựu ( Người chị nuôi ) là một nhân vật được nhắc nhở nhiều trong truyện "Người Nam di cư 1954". Nhưng vì bài viết đó khá dài nên nhân vật Lựu chưa được nói đủ. Hôm nay tôi viết một bài riêng về chị, một người chị mà tôi hằng yêu kính. Mời quý anh đọc để giải trí.

  NQ

                                        

 

               Tôi nhớ có một lần nào đó trong một chuyện ngắn viết về gia đình, tôi đã nhắc đến tên chị Lựu, nhưng vì chuyện khá dài nên không thể viết nhiều về chị được, cho mãi đến hôm nay tôi cảm hứng muốn viết đặc biệt về chị đây. Lúc chị đến với gia đình tôi thì tôi chưa chào đời, chị lớn hơn tôi những mười lăm, mười sáu tuổi, chị tuổi Tỵ nhỏ hơn chị thứ Ba của tôi (gọi theo trong Nam) hai tuổi. Câu chuyện nghe cũng ngồ ngộ, hơi hoang đường và cũng có vẻ là một duyên số thật hợp với giáo lý nhà Phật. Nguyên một ngày nọ có đôi vợ chồng quê và đứa con gái nhỏ, ở từ một xứ khác đến quê tôi lập nghiệp, hiện tạm trú nhà một người bà con. Họ đã hỏi thăm người bổn xứ thì biết cha mẹ tôi là một điền chủ bậc trung, có ruộng cho thuê nên họ đến nhà cha mẹ tôi để xin thuê ruộng. Chú thiếm Năm Hưng là hai người nầy đây đang ngồi nói chuyện với cha mẹ tôi nơi bộ trường kỹ ở gian nhà chính, còn đứa con gái độ chừng bảy tuổi đứng cạnh mẹ nhìn trô trố chị tôi đang lủi thủi chơi búp bê nhựa bên gian nhà kế bên. Gọi là gian vì tính theo hàng cột chống chọi bên trong, chứ không có vách ngăn. Cô bé nầy có vẻ rất muốn bồng con búp bê nhựa, chị tôi thấy vậy, ngoắc tay gọi cô bé đến để cùng chơi cho vui. Cô bé dợm bước đi thì bị má kéo tay lại và khẻ rầy là không được chạy phá lung tung mà phải ở đây với má. Hai mắt cô bé đỏ hoe như sắp khóc, mẹ tôi thấy vậy xin với thiếm Hưng cho cô bé đến chơi với chị tôi. Chuyện giao kết thuê mướn ruộng chắc là ngắn gọn thôi, nhưng vì vẻ mặt hiền hậu, dễ mến của chú thiếm nên cha mẹ tôi luôn cả bà ngoại nữa rất có cảm tình với họ, nhất là ngoại biết họ là người xứ Vãng (Vỉnh Long) là nơi chôn nhau, cắt rốn của bà nên bà cứ miết hỏi thăm đủ chuyện, trong lúc đó cô bé và chị tôi chơi với nhau rất là vui thích tương đắc. Thế nhưng chú thiếm Hưng cũng đã ở nhà cha mẹ tôi ba bốn giờ gì rồi nên họ xin phép ra về. Thiếm Hưng ngoắc tay gọi con “ Lựu trả búp bê lại cho chị rồi về nhà mình nghen con”. Cô bé Lựu làm mọi người hết sức ngạc nhiên là khóc rống lên và nói “ Con không muốn về, con muốn ở đây luôn”. Thiếm Hưng vội đi nhanh đến cô bé, đầu tiên gỡ búp bê khỏi tay bé và trả lại cho chị tôi, bé vẫy nẩy khóc to khiến thiếm Hưng phải xốc bé lên, ẩm về. Cô bé tiếp tục dẫy dụa la to, nhất định không muốn về. Khi ra tới sân ngoài, mặc thiếm dỗ ngọt và chú dùng bàn tay khẻ đánh đít hăm he bé, nhưng bé vẫn khóc rồi họ đi xa dần…

 

               Chừng hai hôm sau, vào khoảng chín mười giờ sáng chú Hưng một mình đi bộ đến nhà cha mẹ tôi, mặt mày trông bơ phờ, ủ dột cho biết bệnh tình của bé Lựu, từ lúc từ giã cha mẹ tôi ra về, bé tiếp tục khóc không ăn uống gì cả, dỗ ngọt bé không nghe, dọa nạt bé không sợ, xong rồi bé lên cơn sốt mê man và nói sảng luôn miệng nên chú thiếm sợ lắm, bàn với nhau thử đến đây thỉnh cầu ông, bà (Lúc nầy, chú thiếm gọi cha mẹ tôi là như vậy) có cách gì giúp cho cháu không. Ngoại và cha mẹ tôi nghe thế rất lấy làm đau xót, ngoại tính như vầy: bảo thằng Lực (tớ trai trong nhà) chèo ghe đưa bà, mẹ  và chú Hưng về nhà thăm cháu, cha tôi gởi theo 7,8 viên Aspirin được ông bẻ đôi, ngoại gom được 8,9 bao thuốc “Ngoại cảm tán”, mẹ bỏ vào chiếc rổ tre đan chừng một chục cam, quít hái trong vườn, chừng vài lít gạo cũ đựng trong chiếc nồi đất nhỏ để nấu cháo hoặc cơm cho người bệnh ăn dễ tiêu, một hộp sữa đặc và một ít thịt chà bông dồn vào cái hũ chao không. Trên ghe tam bản, ngoại nhiều lần căn dặn chú Hưng muốn uống thử thuốc tây hay thuốc tàu gì cũng được, nhưng lúc uống thuốc nầy thì tuyệt đối không được dùng thuốc kia, rất nguy hiểm cho tánh mạng cháu bé rồi ngoại nói sẽ dặn thêm với thiếm Hưng cũng y chang như vậy mới được. Chú thiếm hiện tá túc nhà người chú họ cũng cùng dòng sông nầy, cách nhà cha mẹ tôi chừng bảy, tám trăm mét. Ghe vừa cập bến, thiếm Hưng thật mừng rỡ ra bờ sông đón chào, thiếm bước xuống ghe vài bước nắm cánh tay ngoại dìu lên bờ rồi hỏi thăm ríu rít xong thiếm đưa mọi người vào thăm bé Lựu. Bé Lựu đang thim thíp hơi thở rất yếu, mẹ và ngoại, người sờ trán, người nắm tay bé và cho biết người của bé rất nóng. Mẹ bảo thiếm nhúng nước một chiếc khăn cho ướt, đoạn vắt ráo nước rồi đắp lên trán cho bé, ngoại nhẹ nhàng xoa bóp khắp cơ thể bé. Một lúc sau bé tỉnh giấc, mở mắt to nhìn ngoại và mẹ tôi rồi bé nhoẽn miệng cười làm mọi người thấy vui lây. Mẹ lại bảo thiếm nấu ít nước sôi pha cho bé ly sữa rồi nấu luôn nồi cháo trắng cho bé ăn, sau đó mới uống thuốc được. Tội cho gia đình chú, thiếm Hưng rất nghèo không có cái ly để uống nước, sữa được pha trong chén với cái muỗng sành to ù (muỗng ăn phở), chú đở con ngồi trong lòng, mẹ tôi phụ đút sữa cho bé. Uống xong chén sữa, bé trông khỏe ra, đôi mắt long lanh trìu mến nhìn mẹ tôi như ngầm cám ơn, mẹ hứa với bé là ráng mà khỏe mạnh lại, bác sẽ xin ba má cho bé đến chơi với Quế Vân (chị Ba của tôi) trọn một ngày, mọi người đều thấy nụ cười rạng rỡ trên môi bé. Đến đây cháo trắng cũng vừa chín, thiếm Hưng múc đem lên một chén với hũ thịt chà bông, mẹ tôi cũng tiếp tục đút cháo cho bé, sau đó bé được uống nửa viên Aspirin và tráng miệng bằng nửa quả cam cắt thành múi. Người bé toát nhiều mồ hôi và bé cảm nhận như được khỏe hẵn…..

 

               Bốn hôm sau là ngày giỗ của ông ngoại tôi, chú thiếm Hưng đưa bé Lựu đến rất sớm. Bé Lựu rất sung sướng được gặp lại chị Quế Vân, hai đứa bé tung tăng chạy nhảy đưa nhau ra vườn chơi, tìm trái cây chín hái ăn. Còn chú thiếm phụ với mấy anh chị giúp việc làm gà vịt, xắt rau củ nấu nướng cho mâm cúng, họ đã ở chơi cho tới tối, ăn xong bữa cơm chiều mới về. Bé Lựu cũng khóc sướt mướt khi rời nhà cha mẹ tôi, rồi cảnh cũ tái diễn, bé lại lên cơn sốt báo hại ngoại và mẹ phải đến săn sóc, dỗ dành bé lần nữa. Thấy chú thiếm Hưng người thật thà chơn chất, cha mẹ tôi rất quý mến nên bảo chú thiếm gọi hai người là anh chị như người trong gia đình.  Chú thiếm, ngoại và mẹ cùng đi coi thầy, thử xem tại cớ gì mà bé Lựu lại quyến luyến chị Quế Vân và thương yêu mọi người trong gia đình tôi như thế đó. Thầy xủ quẻ nói rằng: Tiền kiếp hai đứa nầy là hai chị em trong một gia đình, kiếp nầy vô tình chúng gặp lại, vì vậy chúng không chịu xa rời nhau đâu. Người nào có khả năng thì nuôi luôn hai đứa, chứ cách biệt chúng là chúng nhớ nhung, đau yếu luôn. Chú thiếm Hưng nghe vậy thì thấy vui có, buồn có lẫn lộn, trước nhất vui là con mình có một gia đình đang giàu có bảo bọc nuôi nấng nó, kế đến lại nghĩ là phải sống xa con, không có con bên cạnh mỗi ngày nên buồn là vậy. Ngoại tôi đoán biết nên nói: vợ chồng thằng Hưng nghe má nói đây nè (đúng là giọng bà già trầu Nam bộ, chưa chi đã xưng má rồi, nghe như mật rót vào tai) mất mát gì đâu mà tụi bây sợ, có má tụi bây đây chi, sẵn vợ thằng Hưng bụng cũng lum lúp đó rồi, gởi con cho người ta nuôi dùm lúc đi đẻ là nhất Quận công rồi, còn gì bằng. Có nhớ nó thì vài ba hôm đến thăm nó và thăm má tụi bây luôn thể. Má nói vậy tụi bây nghe có lọt tai không nào?.....

 

               Chắc chắn là lọt tai rồi, nếu không thì sao chị Lựu vào ở nhà cha mẹ tôi. Tính đến năm 1945 là năm sinh của tôi, chị Lựu ở nhà nầy được 9 năm, hiện tại chị được 16 tuổi. Tôi không có may mắn được ở trong cái nhà nầy, bởi là nhà lầu 2 tầng xây bằng gạch ngói nên Việt Minh quy động người dân nông thôn đến đốt và phá sập vì sợ bọn thực dân Pháp lấy đóng bót. Thế rồi gia đình tôi bị xé nhỏ như đã kể trong truyện “Người Nam di cư 1954”, cốt lõi còn lại là mẹ, chị thứ bảy, chị Lựu và tôi tản cư vào vùng kháng chiến làm nhà ở trong đó. Ngay chỗ nầy tôi xin dừng một chút để ca ngợi cái đức tính đầy nghĩa nhân và tình người của chị, xong rồi sẽ thuật chuyện tiếp. Phải nói gia đình tôi lúc nầy lâm vào thế vô cùng khó khăn bi đát, từ giai cấp “ông” tụt xuống thành giai cấp “thằng”: Thằng địa chủ, chú trung nông, ông bần cố mà. Điền sản bị tịch biên, nhà cửa bị đốt, phá sập, ngoại đã mất 2 năm trước đó, cha thì biền biệt trong bưng, mẹ cho gọi chú thiếm Hưng đến, trình bày gia cảnh của mình là như thế đó, bà giao khoảng 90 công ruộng cho chú thiếm canh tác dùm, bảo chú thiếm cùng các con (chú thiếm có thêm hai đứa con trai, em chị Lựu) dọn vào căn nhà lá nhỏ mà mẹ mướn người dừng lên để ở tạm và chứa đồ đạt dọn ra từ nhà gạch lớn. Chú thiếm là người rất trung hậu luôn kính trọng cha mẹ tôi như anh chị lớn trong gia đình, mọi chuyện chú thiếm nhất nhất nghe theo. Rồi đến chuyện chị Lựu, mẹ nói với chị: “Thôi con hãy trở về sống với ba má ruột của con đi, đi theo mẹ và các em, con sẽ khổ lắm đó”. Chị Lựu khóc lớn, chững chạc khẳng định: “Con sống với cha mẹ đã 9 năm, thời gian lâu hơn con sống với ba má con. Con rất yêu thương và quý mến gia đình nầy, con không thể rời mẹ và các em được, mong mẹ hiểu cho con”. Nghe chị nói thế, mẹ khóc, chị Bảy khóc, cả ba người đều khóc và ôm chặt nhau như giao kết từ đây cho dù bất cứ nghịch cảnh nào, họ sẽ không xa rời nhau….

 

               Rồi hai chiếc ghe tam bản lớn, chiếc trước chở nào áo quần, bàn tủ, đồ gia dụng và gia đình bé nhỏ của tôi, chiếc sau thì chở lu, hũ, khạp, bếp lò, nồi niêu, gạo, đường, mắm muối v.v…và kéo thêm phía sau một chiếc xuồng ba lá nữa…trực chỉ vào vùng hoang dã thuộc xã Mỹ Tú. Ở nơi đó cha tôi thuê và nhờ người giúp nữa đã cất sẵn một căn nhà lá nhỏ bằng gỗ tràm xinh xinh cách bờ kinh vào khoảng hai, ba chục mét. Và cũng tại bờ kinh, phía trước nhà ông bảo họ làm thêm cho ông một chiếc sàn cao hơn mặt nước để giặt giũ, rửa chén bát hoặc là chỗ làm sạch cá tôm trước khi đem vào nhà bếp nấu nướng, bên cạnh chiếc sàn là chiếc cầu thoai thoải dũi xuống nước để người nhà xuống đó xách nước lên xài hoặc để ghe xuồng cập bến, thật thuận tiện cho mọi người lên hay xuống ghe. Gia đình nhỏ chịu dọn vào đây ở, có nghĩa là dứt khoát, là giã từ lối sống tiện nghi mà chấp nhận một lối sống lam lũ, thiếu thốn trăm bề nơi miền thôn dã, những chiếc áo lụa cẩm vân, cẩm châu dệt bông hay màu sắc sặc sỡ của phụ nữ được xếp cất kỹ trong ngăn tủ mà thay vào đó bằng những chiếc áo bà ba vải đen hay màu nâu sậm như mọi người dân ở đây, đây cũng là dịp để chị Lựu chứng tỏ sự tự tin và sức chịu đựng hi hữu của chị. Chị rất khỏe, mạnh như một thanh niên trai tráng, luôn xốc vác lãnh làm mọi việc nặng nhọc cho gia đình, nội cái vụ ngày ngày đi cắm câu, vãi lưới bắt cá tôm để có thức ăn với cơm trắng cũng đã cực rồi, rồi khi rảnh rỗi thì chị tay cuốc, tay suổng khẩn đám đất ở ven sông thành vài luống rẫy trồng cà chua, cà tím, rau, củ, sả, hành, ớt  v.v.. cho có thức ăn phụ thêm. Cha tôi, một vài tuần ông mới về thăm gia đình một buổi, ông thấy chị Lựu quá khổ cực, ông thương lắm nên tìm mua lưới và nhờ người ráp một cái vó bắt cá ngay trên sàn nước, từ đó việc kiếm cá có phần dễ dàng hơn, đó là chưa nói cất vó bắt được nhiều loại tôm cá khác nhau như được cua, cá chẽm, cá he, ca bống tượng, tôm càng lớn, tôm thẻ nhiều nhất là cá kèo v.v… từ đó thức ăn được thay đổi luôn, thật ngon miệng cho gia đình. Nhiều lúc anh Sáu về nhà, chị rủ anh chiều chiều theo chị vác chừng mươi ống trúm ra đám ruộng hoang xăm xắp nước phía sau nhà bẫy lươn, sáng hôm sau hai chị em ra vác ống về, tháo miệng hom trút vào thùng, nhiều lúc được chừng năm bảy con lươn to ù, vàng hực. Lươn thường chị làm sạch bỏ vào nồi đất có lót dưới đáy một lớp rau ngỗ được lặt rửa, đậy nắp vung um đến khi thấy da lươn nứt nẻ, phơi bày thịt trắng bên trong, trông thật hấp dẫn thì chị rưới một lớp mỡ hành lên mình lươn rồi rắc một ít rau ngò om cắt khúc trên mặt, xong chị nhắc nồi xuống. Món nầy được chấm nước mắm có dằm vài mắt me chín với lại một ít sả băm nhỏ, phi cho vàng thì thật là ngon đáo để, hay chị nấu canh chua lươn với mẽ và bắp chuối xắt mỏng. Chị cũng không quên làm một đĩa lươn xắt khoanh mỏng xào mặn với nước mắm, đường, sả ớt và nước màu dừa cho thằng em út của chị, bởi vì nó rất thích món ăn nầy. Chị của tôi là như thế đó thì đừng hỏi tại sao tôi quá yêu thương chị. Nói chung miệt nầy cá tôm nhiều vô số kể nhưng phải bỏ công đánh bắt mới có ăn, nếu không, dù có tiền mua cũng không biết mua ở đâu. Riêng phần mẹ tôi, bà gầy giống để nuôi heo và gà vịt, báo hại chị phải đi đốn cây nhỏ và lá dừa nước về làm hàng rào ngăn chận không cho gà vịt vào cắn phá mấy luống rẫy của chị. Có sống lâu ở miệt thôn dã, người ta mới cảm nhận yêu thích lối sống nầy, thật êm ả, bình dị chứ không se sua, đua đòi như chốn nơi thị thành. Mới đó mà gia đình tôi ở đây cũng được sáu năm rồi. Đoạn trên đây tôi viết theo lời mẹ tôi, chị Lựu và chị Bảy thuật lại, dễ hiểu thôi vì đó là những chuyện lúc tôi chưa chào đời hay có được sinh ra đi nữa thì cũng còn quá nhỏ, chỉ nhớ lõm bõm, không đâu ra đâu, cũng xin nói thật: có chút ít hư cấu cho cốt truyện không quá tẻ nhạt, làm người đọc thấy nhàm chán. Thế rồi cho dù có yêu mến nơi nầy lắm lắm đi nữa, nhưng vì tương lai con cái mà gia đình tôi thêm một lần nữa lại dìu dắt nhau về thành sanh sống năm 1952.

 

               Sau một vài năm vất vả với cuộc sống mới bôn chen thành thị, việc buôn bán của gia đình cũng đã có chút đỉnh đồng ra, đồng vào, lợi tức tương đối ổn định thì mẹ định kiếm người gả chồng cho chị Lựu, nay chị đã hai mươi sáu, hai mươi bảy tuổi rồi. Lúc còn ở Mỹ Tú cũng có người đến coi mắt chị, nhưng sau đó…họ không tiến tới, nên cái duyên của chị bị chai khằng đi chăng, cho mãi đến năm hai mươi tám tuổi thì chị mới lấy được chồng. Chồng chị là anh Miền, con của bác năm Có, thợ mộc cuối xóm. Anh nầy hiền hậu, dễ thương, anh không học nghề mộc của bố, có lẽ vì không được khéo tay (khéo quá cỡ thợ mộc mà lỵ) nên đi làm phụ hồ để học nghề thợ nề với người khác. Hai anh chị ăn ở với nhau hơn 4 năm, chưa con cái, rồi ngày kia anh té thang tử nạn trong lúc đứng trên thang cao để xây vách cho nhà người ta tại một chợ quận nọ, cách thị xã Sóc Trăng 30 cây số, đầu anh va xuống trước, bị chấn thương sọ não, anh chết trên đường chở tới nhà thương tỉnh cấp cứu. Chị Lựu buồn lắm, thường về nhà thăm cha mẹ hoặc đến chị Bảy (chằn) chơi giải khuây. Chị Bảy giờ đã có hai hay ba đứa con, bà nầy còn giỏi về cái môn xúi dại, bà xúi chị Lựu về xin ba má chồng cho chị về nhà cha mẹ làm ăn và nhớ nói thêm như vầy: vì ở đây, con nhớ anh Miền quá, chắc sống không nổi đâu ba má ơi v.v… Không biết chị Lựu có nói với bác Năm giống y chang như lời quân sư Bảy chằn dạy không, nhưng chị được bác Năm cho phép tạm về với gia đình làm ăn. Chị vui lắm, tức tốc dọn áo quần vọt qua nhà chị Bảy ở luôn.

 

               Đến gần cuối năm 1970, tôi được đổi về đơn vị mới đóng tại Sóc Trăng. Thế là ba chị em tôi lại có dịp gần gũi bên nhau nữa, hai chị thường nhắc lại thời gian sống ở Mỹ Tú, tuy khổ cực nhưng rất vui vì mọi người luôn quấn quít, đùm bọc, lo lắng cho nhau thật nồng thắm, đậm đà. Xưa nay, chị Lựu luôn được chị Bảy thương yêu tin cậy, coi chị như một quản gia trung tín và bà vú khả kính của đám con của chị, tụi nhỏ nầy cũng rất ngoan hiền biết quý mến và nghe lời dạy dỗ của má Hai. Chị Bảy luôn giao cho chị giữ một khoảng tiền lớn để chi tiêu chợ búa cho gia đình, quà bánh cho trẻ con hay những chuyện xài vặt vãnh linh tinh, khi nào tiền cạn thì chị Bảy đưa thêm. Áo quần của chị cũng được chị Bảy may sắm, ni tất đo may của chị đã  được bà chủ tiệm may giữ lên, chị Bảy chỉ cần mang vải đến là hai ngày sau có chiếc áo mới cho chị. Nói chung chị không thiếu thốn bất cứ thứ gì. Tôi nhớ có một lần, vào buổi sáng ngày xuống “ca” bay, tôi đưa mẹ sang chơi với hai chị, chị Lựu xách gamelle đi mua mì ở tiệm Tinh Châu là tiệm hủ tiếu mì ngon nhất tỉnh, cách nhà chị Bảy hai căn phố đem về đãi mẹ và tôi ăn sáng. Đang ngồi ăn, chị đứng phía sau lưng tôi, hơi khom người xuống để kéo fermeture bên túi trái áo tôi rồi nhét tiền vào đó, chắc chừng vài ngàn gì đó. Tôi nói với chị là: “em không nhận tiền chị đâu, em trả lại cho chị để chị có mà xài”. Chị không chịu, vẻ mặt chị đượm nét buồn, cuối cùng buộc lòng tôi phải nhận và nói với chị: “lỡ lần nầy thôi, lần sau em không nhận đâu đó”, chị cười rạng rỡ và trêu tôi: “ chuyện lần sau thì để lần sau hãy nói nghe cậu Út, sao Kim Anh (chị Bảy) nó cho thì em nhận, còn của chị thì em chê?”Tôi phải nói đùa để chị vui: “ Bà chằn lúc nhỏ thường cóc đầu em, bây giờ bả cho tiền em là để chuộc lỗi đó, còn chị có bao giờ cóc đầu em đâu, vì vậy chị không cần phải cho”. Nghe tôi nói vậy thì mẹ, hai chị cùng cười rồi cả bốn người trong tâm tư như gợi lại cái thời sống cơ cực trong bưng nhưng mà vui.

 

               Ông Trời quả thật bất công, con người hiền lương sống trọn nghĩa, trọn tình như thế ấy, vậy mà ra đi khi  tuổi đời còn quá trẻ, chị được 46 tuổi Tây, 47 tuổi Ta. Chị mất vào khoảng tháng ba năm 1975 sau cơn bạo bệnh chừng ba tháng, khi chị mất rồi, Bác sĩ mới cho biết là chị mắc chứng ung thư phổi. Mẹ muốn đem thi thể của chị từ nhà thương về thẳng nhà mẹ để làm lễ mai táng cho chị vì mẹ biết thế nào anh chị Bảy cũng giành làm chuyện nầy. Sở dĩ mẹ không muốn để anh chị Bảy cáng đáng vì mẹ sợ sau nầy bên gia đình anh Bảy, có người nghĩ không tốt về gia đình mẹ. Anh Bảy khẳng định: “không có chuyện đó đâu mà mẹ lo, vợ chồng con luôn luôn coi chị Lựu như chị ruột của mình, chị còn là mẹ nuôi của tụi nhỏ, con của vợ chồng chúng con, chị đã giúp đở gia đình tụi con 15 năm rồi, chớ đâu phải ít. Ngày cuối cùng của chị mà tụi con không lo đàng hoàng là Trời Phật trách phạt, làm ăn không khấm khá đâu mẹ…”. Mẹ và chị Bảy khóc rất nhiều, nhiều lần mẹ ôm quan tài của chị tưởng chừng đang ôm thân thể con gái của bà, rồi kể lại chuyện chị hứa với bà là: “đợi mấy đứa con của Kim Anh lớn chút nữa, con giao tụi nó lại cho mẹ chúng nó, con sẽ về nhà phụng dưỡng mẹ để báo hiếu”, chính câu nói nầy làm mẹ quá đau đớn nên khóc to, mọi người đều nghe thấy lời nói chí hiếu của chị Lựu khi xưa ai nấy cũng vô cùng xúc động mà khóc theo bà. Chị Bảy và hai đứa con nhỏ nhất của chị để tang cho chị Lựu. Mẹ còn kể với chị Lựu: phải chi có thằng Út ở nhà, mẹ cũng bắt nó chịu tang cho con luôn, vì nó và Kim Anh chịu ơn con nhiều lắm, nhất là thằng Út đó.

 

               Chôn cất chị xong, vài ngày sau tôi mới hay tin. Thời gian nầy tình hình chiến sự gay lắm, khó lấy phép về thăm gia đình. Tôi rất buồn và canh có phi vụ nào bay cho Tiểu Khu Sóc Trăng để tình nguyện bay thế. Rồi tôi cũng được toại nguyện, giờ cơm trưa tôi xin với ông “back seat” được về nhà thăm gia đình chừng 30 phút. Tại nhà anh chị Bảy, đứng trước bàn thờ chị, nhìn chiếc ảnh bán thân của chị đang mĩm cười tưởng chừng chị rất vui khi thấy thằng em mình đến viếng. Nước mắt tôi lăn dài trên má, tôi cắm 3 nén hương rồi lùi lại định quỳ xuống lạy chị nhưng ống quần như vướng bận cái gì đó, à thì ra mình đang mặc chiếc áo bay, nhà binh quân kỷ không cho phép mình hành lễ theo lối dân chính, ngoài đời khi mình đang mặc quân phục. Vì vậy tôi chỉ cúi mình xá 3 xá thật sâu, rồi lại nhìn ảnh của chị lần nữa, nước mắt tôi lại tuôn trào, cổ họng nghẹn cứng, tôi muốn nói với chị thật nhiều nhưng sao quá khó khăn, giọng nói tôi sao quá bệu bạo và đứt khoảng nữa: “Chị ơi..sao chị nỡ..bỏ em..mà đi. Chị có biết..em yêu chị..nhiều lắm không…..”.

 

 

AcDieu

Tin vui

Tin Buồn

Bài Củ

06-2014

05-2014

04-2014

03-2014

02-2014

01-2014

RFI
Nguoi_Viet
RFA
Quan_Su_VNCH
Quân Sử VNCH
Voa_tieng_Viet
BBc_Tieng_Viet

TIME