SỰ ĐỘC ĐÁO CỦA PHỞ VIỆT
Mới đây, tờ tạp chí kinh doanh nổi tiếng của Mỹ – Wall Street Journal đã cho đăng tải một bài viết khen ngợi món phở Việt Nam. Bài viết có những nhận định, so sánh sâu sắc về món ăn nổi tiếng của người Việt.
Bằng giọng văn hài hước, dí dỏm và chân thành, phóng viên của tờ Wall Street Journal đã có một bài viết thú vị về phở Việt
Đáp máy bay đến Hà Nội trong một buổi sớm se lạnh, khi cảm giác lâng lâng, say say của máy bay vẫn còn khiến đầu óc “nửa mê nửa tỉnh”, tôi bước vào một quán ăn nhỏ ven đường, tỏa ra mùi hương ngào ngạt, quyến rũ. Tôi đã ở đây rồi, nơi tân cổ giao duyên, nơi Đông Tây gặp gỡ – Hà Nội, thủ đô ngàn năm văn hiến của Việt Nam.
“Ông ăn ngay đi nhé!”, cô phục vụ lấy tay ra hiệu chỉ vào bát phở vừa mới đặt xuống trước mặt tôi. Trông cô nghiêm nghị như một vị tướng chỉ huy cấp dưới, nhưng đó chỉ là sự so sánh hài hước của tôi thôi. Thực ra, cô đang thể hiện sự quan tâm, có lẽ trông tôi không khỏe và cô đang lo lắng cho người khách phương xa.
Bát phở đặt trước mặt tôi – món ăn thương hiệu của ẩm thực Việt Nam đây rồi, trông thật giản dị: những sợi phở trắng bơi trong bát nước dùng, rải đều trên mặt là những lát thịt bò thái mỏng. Đi kèm bên cạnh là một đĩa bày rất khéo những thức rau sống, giá đỗ, miếng chanh cắt nhỏ, lát ớt chỉ thiên…
Phở, tôi đã ăn nhiều lần. Đó luôn là món ăn đặc biệt đối với tôi. Kể từ lần đầu tiên được nếm thử hương vị phở ở đất nước quê nhà cách Việt Nam nửa vòng trái đất – nước Mỹ, tôi đã biết mình sẽ không bao giờ có thể quên món ăn này.
Tôi cũng không bao giờ có thể miêu tả hương vị phở, nó quá sâu sắc và phức tạp, chẳng dễ nói bằng lời được. Bởi lẽ, để có tô phở đặt trước mặt tôi đây, người chủ quán đã phải chuẩn bị cầu kỳ từ trước đó nhiều tiếng đồng hồ.
Nguồn gốc của phở thật bí ẩn. Người thì bảo phở là món lai Pháp, người lại bảo nó xuất xứ từ Trung Hoa, có người lại quyết bảo vệ: phở là của Nam Định. Bất kể phở xuất xứ từ đâu, người Việt Nam các bạn vẫn luôn bảo rằng phở là linh hồn ẩm thực của Hà Nội.
Ở thành phố miền Bắc đông đúc này, mặt trời lên là đường phố bắt đầu hối hả, mặt trời lặn là ai về nhà nấy, đến đêm thì không gian được trả lại sự tĩnh lặng. Tôi thường thấy những người bán hàng rong đạp xe xung quanh thành phố với những thúng mủng đựng chanh, ớt, tỏi… Và tôi cũng thường thấy các quán phở có khách từ sáng đến đêm, đó là món ăn mà có lẽ người ta có thể ăn từ ngày này sang ngày khác, từ bữa này sang bữa khác không chán, tôi nghĩ vậy.
Phở là món quà đặc sản của Hà Nội, một nhà văn nổi tiếng của Việt Nam- Thạch Lam từng viết như vậy hồi thập niên 1940. Điều này vẫn không thay đổi cho tới tận hôm nay. Phở là đặc sản Hà Nội không phải bởi chỉ người Hà Nội mới biết nấu phở mà bởi ở Hà Nội, hương vị phở thơm ngon đặc biệt, một thứ vị riêng có.
Hai thúng hai đầu và một dải quang gánh ở giữa nối liền, ai đó đã miêu tả hình ảnh đất nước Việt Nam như vậy. Miền Bắc với Hà Nội ở một đầu quang và miền Nam với thành phố Saigon ở đầu còn lại. Đến với thành phố Saigon , tôi cũng dùng phở và nhận thấy hương vị hai nơi thật khác nhau, phong cách nấu ở hai thành phố này có những khác biệt thú vị.
Tôi muốn kể cho các bạn nghe về trải nghiệm đầu tiên của tôi với phở. Nó bắt đầu từ một nhà hàng ở tận thành phố Cambridge, tiểu bang Massachusetts, Mỹ. Ở những năm 1990, khi đó, phở vẫn còn chưa được nhiều người Mỹ biết tới. Một đầu bếp Mỹ có tên Didi Emmons đã mở quán phở đầu tiên trong tiểu bang. Có lần ghé qua ăn thử và quá ấn tượng với món này, cậu sinh viên trẻ là tôi khi đó đã ngay lập tức xin được làm thêm tại cửa hàng.
Tôi đã từng làm việc ở nhiều cửa hàng ăn suốt thời đi học nhưng chưa có món nào gây ấn tượng với tôi như phở. Tôi khâm phục cách người ta sáng tạo ra nước dùng của phở, cách người ta thái và chẻ những cọng hành, cách đập gừng làm sao để miếng gừng vừa đủ độ dập và tiết ra hương thơm không quá nhạt cũng không quá nồng.
Rồi hằng hà sa số những thứ thảo mộc tinh tế mà người ta dùng để chế vào nồi nước phở. Có những đêm tôi được người chủ quán ở Cambridge giao trông nồi nước dùng, tôi đã say sưa ngắm những bong bóng phập phồng trong nồi nước. Hít hửi hương thơm tỏa ra, tôi tin rằng đây là thứ nước dùng tinh tế nhất trong thế giới của các loại nước dùng.
Hương vị phở ở Hà Nội giản dị và cổ điển, nước dùng thanh và trung thành với những gì truyền thống – những lát thịt bò thái mỏng, những cọng hành tươi thái nhỏ và một vài chiếc lá rau thơm…
Những quán phở ngon nổi tiếng ở Hà Nội lại tập trung ở những con phố hẹp và đông đúc nằm trong khu phố cổ. Hàng quán ở đây san sát nhau, người dân “luồn lách” trong dòng xe đông đúc một cách rất “cơ động” bằng những chiếc xe máy nhỏ gọn.
Đường phố thì thế nhưng người dân ở đây vẫn giữ được sự thư thái, thoải mái mỗi khi ngồi xuống ăn quà. Nhiều khách du lịch khi sang Việt Nam không dám ngồi xuống những hàng quán vỉa hè và họ đã tự tước đi quyền thưởng thức sự tinh túy của ẩm thực Hà Nội. Sự tinh tế đó lại nằm ở chính những hàng quán ven đường này.
Phở ở thành phố Saigon có hương vị nồng đượm. Ở đây nước dùng đậm đà, hơi đục chứ không trong và thanh như nước dùng ngoài Hà Nội. Ở đây, phở có nhiều sáng tạo, cải biên thú vị với những nạm, tái, gầu, bò viên… thơm nức, mềm mại. Người yêu phở ở thành phố Saigon vì thế có nhiều lựa chọn “phi truyền thống” hơn.
Theo tôi, phở có thể được coi là một “thức ăn nhanh” của người Việt. Các nguyên liệu thường được chủ quán bày sẵn ra các khay và chế biến rất nhanh, chỉ vài phút sau khi gọi món, bát phở nóng sốt, thơm lừng đã được đặt ngay trước mặt thực khách.
Ở Việt Nam có những quán phở mở từ tờ mờ sáng, thậm chí có cả quán mở xuyên đêm. Những nồi nước dùng ở đây to khổng lồ tới mức tôi tưởng tượng mình… có thể bơi trong đó. Chưa tới 3 đô la, du khách đến Việt Nam đã có thể thưởng thức món ẩm thực tinh tế đỉnh cao của Việt Nam – một ưu đãi quá lớn.
Sau khi đã thưởng thức phở ở cả miền Bắc và miền Nam, tôi nhận ra rằng phở ở Hà Nội thanh và truyền thống còn phở ở thành phố Sài Gòn đậm và “tân thời”. Đối với cá nhân tôi, tôi thích phở của thành phố Sài Gòn hơn bởi tôi yêu vị ngọt đậm trong tô phở Sài Gòn.
Trước khi bước ra khỏi quán, cô phục vụ thân thiện hỏi tôi: “Ông đã no bụng chưa?”. Tôi chỉ cười. Làm sao có thể no được khi phở Việt Nam ngon đến vậy? Dù đã ăn hết cả tô nhưng tôi vẫn luôn thấy thòm thèm, đúng như người Việt vẫn nói: No bụng đói con mắt. Chắc chắn tôi sẽ còn nhiều lần ăn phở, ngay cả sau khi đã trở về Mỹ. Người Mỹ giờ đây cũng đã có nhiều người “nghiện phở” như tôi.
Theo Wall Street Journal