Cuộc Chiến Chống Khủng Bố Đi Về Đâu?
Vũ Linh
An ninh được kiểm soát chặt tại Pháp sau vụ khủng bố.
...Phản đạo hay bỏ đạo là bị tử hình ngay, không có tự do lựa chọn gì hết...
Cuộc tấn công báo Charlie Hebdo bên Pháp đã đẩy cuộc chiến chống Hồi Giáo cuồng tín lên ưu tiên hàng đầu của cả thế giới. Tất cả những biến chuyển kinh tế, tài chánh, xã hội, giáo dục, văn hoá, gì gì đó đều bị nạn khủng bố này đe dọa trực tiếp và đẩy vào sau hậu trường hết. Tại sao đi đến tình trạng này? Ai có giải pháp? Giải pháp gì?
Trước hết, ta nhìn lại bối cảnh lịch sử.
Khủng bố của Hồi giáo quá khích trong lịch sử cận đại, phải nói là đã được khai sinh khi Tây Phương lấy quyết định cắt một phần đất Palestine để thành lập quốc gia Do Thái sau Thế Chiến II. Người Ả Rập Hồi giáo cảm thấy dĩ nhiên đã bị mất quyền lợi, bị chiếm đất mà còn bị đuổi ra khỏi vài vùng thánh địa của đạo Hồi. Nhưng họ không làm gì được khi Do Thái được sự yểm trợ chính trị, kinh tế và nhất là quân sự của cả khối Âu Mỹ. Trong thời chiến tranh lạnh, khối Ả Rập được sự hậu thuẫn của CS Xô Viết, nhưng hiển nhiên chưa đủ mạnh để nghiêng cán cân về khối Ả Rập.
Khối Ả Rập dùng cả chiến tranh quy ước và chiến tranh khủng bố để diệt Do Thái trong những thập niên 50-60. Nhưng thất bại, đành phải chấp nhận thực thể Do Thái. Thế giới yên tĩnh phần nào. Cho đến ngày Osama Bin Laden ra tay.
Bin Laden là người có tiền và có chí lớn. Một cựu đồng minh của Mỹ tại Afghanistan trong cuộc kháng chiến chống Hồng Quân Xô Viết. Bây giờ đứng lên phất ngọn cờ “thánh chiến” chống Mỹ và chống chính quyền Vương Quốc Ả Rập Saud vì chính quyền này đã cho lính ngoại đạo đến thánh địa khi TT Bush cha đánh Saddam khỏi Kuwait.
Chiến lược của Bin Laden rất giản dị. Đánh rắn phải đánh ngay đầu, và đánh cho chí tử. Mỹ là đại đế quốc hàng đầu chống lưng cho Do Thái, tiêu diệt được Mỹ thì Do Thái sẽ tự hủy theo.
Cuộc chiến biến thể lần thứ nhất, từ diệt Do Thái, chuyển qua đánh Mỹ trên chính đất Mỹ cũng như tại tất cả những nơi nào có người Mỹ và quyền lợi Mỹ.
Trước 9/11, Al Qaeda đã tấn công Mỹ ba lần: đánh bom hai cao ốc World Trade Center tại Nữu Ước năm 1993, đánh bom phá hai tòa đại sứ Mỹ tại Kenya và Tanzania năm 1998, và đặt bom phá chiến hạm USS Cole ngoài khơi Yemen năm 2000. Cả ba lần, TT Clinton phản ứng theo kiểu TT Bush gọi là “đập ruồi”.
Kết luận của Bin Laden sau những phản ứng này: Mỹ chỉ là cọp giấy. Đưa đến biến cố 9/11.
Chiến thắng vĩ đại của 9/11, đúng như Bin Laden tính toán, đã là tiếng trống trận, kích động toàn thể giới trẻ cực đoan Hồi giáo đứng lên chống Mỹ nói riêng và tất cả những phần tử ngoại đạo nói chung. Ngày đó, trong khi cả thế giới ngẩn người xem hai toà tháp xụp đổ, thanh niên Hồi giáo xuống đường reo hò, ca hát, ăn mừng. Họ nhìn thấy đại cường Mỹ coi vậy, vẫn có thể đánh bại dễ dàng. Chỉ cần chấp nhận hy sinh cá nhân, chấp nhận làm “thánh tử đạo”.
TT Bush phản ứng mạnh tay hơn TT Clinton vì tầm vóc của 9/11. Tuyên bố “chiến tranh” với khủng bố quá khích. Một mặt xuất quân đánh Afghanistan, nơi dung túng Al Qaeda và Bin Laden, một mặt ra luật Patriot Act siết chặt kiểm soát và trừng phạt các nhóm khủng bố trong nước. Cũng cho thành lập một Bộ An Ninh Lãnh Thổ mới, tập trung lại tất cả các hoạt động tình báo, an ninh để dễ phối hợp cuôc chiến chống khủng bố.
Kết quả, sau 9/11, không còn một cuộc tấn công nào đáng kể của khủng bố chống Mỹ. Không ưa cao bồi Bush là một chuyện, công bảo vệ Mỹ của Bush là chuyện phải nhìn nhận.
TT Obama nhậm chức. Ông có tầm nhìn chiến lược hơn TT Bush. Phản ứng của TT Bush là phản ứng tự vệ cấp bách có tính nhất thời. TT Obama có thời giờ điều nghiên vấn đề kỹ hơn. Ông coi những cuộc chiến Iraq – Afghanistan hay cả Patriot Act, chỉ là “diện”, chưa đụng đến “điểm”, tức là vấn đề căn gốc của khủng bố. Diện thì không giải quyết được vấn đề, nên dẹp bỏ, tức là chấm dứt chiến tranh, mang lính Mỹ về. Cuộc chiến chống khủng bố đổi qua đánh vào điểm. Tức là Mỹ phải trực diện với cả khối Hồi giáo và Ả Rập, giải quyết những mâu thuẫn cơ bản giữa Mỹ-Tây Phương với khối này.
Trên căn bản, lập luận của TT Obama đúng hoàn toàn, hợp lý hơn chiến thuật ngắn hạn có tính vá víu của TT Bush. Điều đáng tiếc là bác sĩ chẩn bệnh đúng nhưng không biết cho toa thuốc.
Bác sĩ Obama đi lòng vòng đọc diễn văn ca tụng đạo Hồi và văn minh Ả Rập. Xin lỗi lung tung, kể cả những chuyện không có lỗi. Đi gặp Quốc Vương Ả Rập thì cúi rạp nửa người xuống bắt tay. Nhưng đó chỉ là những chuyện hình thức bề ngoài. Khối Hồi giáo và Ả rập tinh khôn hơn, chờ những gì cụ thể hơn, nhưng rồi chẳng thấy gì khác. Đã vậy, những việc TT Obama làm lại chẳng liên quan xa gần gì đến các nhóm khủng bố. Chẳng đáp ứng bất cứ đòi hỏi nào của các nhóm khủng bố. Làm như thể bác sĩ Obama đi chữa bệnh cho một anh Hồi giáo không bệnh gì cả trong khi quên bẵng anh bệnh nhân khủng bố bên cạnh.
Thật ra, không phải TT Obama hoàn toàn lơ là các nhóm khủng bố đâu. Ông chỉ đổi chiến thuật, thay vì thả biệt kích đánh ào ạt, thì bắn tiả những lãnh tụ khủng bố bằng máy bay không người lái. Nhắm chặt đầu rắn với cái giá rẻ nhất. Vấn đề là Al Qaeda và các nhóm khủng bố đã biến dạng, thành một lô nhóm khủng bố con, với cả trăm đầu, chặt đầu này, ba đầu khác mọc lại. Các nhóm khủng bố vẫn ngày một lớn mạnh. Từ Afghanistan lan qua Pakistan, Yemen, Iraq, Syria, Libya, Indo, Phi Luật Tân, Mali, Nigeria, Chad, Somalia,... Tại sao?
Một nhà báo Âu Châu viết bài tố giác các nhóm khủng bố tìm cách hủy diệt văn minh Thiên chúa giáo –christian civilization. Thật ra không phải vậy.
Các nhóm khủng bố chẳng phải là đánh Thiên Chúa giáo không, mà còn đánh Tin lành ở Anh, đánh Phật giáo ở Á Châu, đánh luôn lẫn nhau trong các vùng Hồi giáo Iraq, Syria, Libya, Pakistan,... Những người Hồi giáo nạn nhân của khủng bố Hồi giáo đông gấp ngàn lần những nạn nhân không phải Hồi giáo. ISIS cứa đầu hàng ngàn dân Hồi giáo.
Một số trí thức cấp tiến tìm cách giải thích sự bành trướng của các nhóm khủng bố như là hậu quả của những bất mãn có tính xã hội, như nghèo đói, thất nghiệp, bị áp bức, thiếu tự do dân chủ, v.v...
Đó là cách chẩn bệnh tiêu biểu của các bác sĩ cấp tiến, để rồi toa thuốc của họ vẫn là tăng trợ cấp, tự do dân chủ, tôn trọng nhân quyền, tránh đụng chạm đến những giá trị căn bản của người khác màu da, khác tôn giáo, khác văn hoá, v.v... Loại lý luận mà CS gọi là lý luận tiểu tư sản.
Cái kiểu chẩn bệnh này đã chứng tỏ sai trật cả ngàn lần mà vẫn còn được lôi ra xài lại. Bắt mạch anh da trắng Âu Châu để chẩn bệnh anh Hồi giáo Ả Rập. Anh thiếu tá Hồi giáo Mỹ vác súng bắn đồng đội có bị áp bức gì không? Mấy anh không tặc lái máy bay đâm vào các cao ốc ngày 9/11 là những trí thức bỏ cả năm kiên nhẫn học lái máy bay, đâu phải là loại đói ăn, thất học bất mãn nhất thời.
Nói đến tự do dân chủ, đạo Hồi và các nước Ả Rập chưa bao giờ có truyền thống tự do dân chủ hết. Đó là những khái niệm Tây Phương. Phản đạo hay bỏ đạo là bị tử hình ngay, không có tự do lựa chọn gì hết. Nhìn vào những nơi mà các nhóm khủng bố cai trị tại Syria, Libya, Iran, Iraq, có dân chủ không? Taliban dân chủ tự do cỡ nào?
Nói đến tránh đụng chạm đến các vấn đề văn hoá, cần tôn trọng lẫn nhau, nghe thì hay lắm. Nhưng có áp dụng không? Một công sở ở Mỹ ăn mừng Chuá Giáng Sinh, để cảnh Đức Chúa ra đời trước mặt tiền có được không? Hay là sẽ bị chính các tổ chức cấp tiến nhất như ACLU phản đối bắt phải dẹp ngay? Một hãng quần jean Mỹ lấy hình Đức Phật làm biểu tượng của hãng –logo-, in hình Đức Phật trên túi quần sau đít, như vậy có phải là tôn trọng Phật giáo không? Sao không thấy ông bà cấp tiến nào lên tiếng dùm? Phe cấp tiến Mỹ than phiền những hý họa về Mohammed trên Charlie Hebdo, sao không than phiền gì những hý họa về Chúa Giê-Su hay Đức Giáo Hoàng cũng trên báo đó?
Tại sao Công giáo, Phật giáo thì có quyền “đụng chạm” mà Hồi giáo thì là cấm địa? Có phải vì Hồi giáo sẽ dùng bạo lực để trả đũa không? Như vậy có phải là đã chấp nhận và gián tiếp cổ võ cho các nhóm quá khích Hồi giáo dùng võ lực để áp đặt ý muốn của họ không? Mà thật ra, đâu có ai tố giác cả Hồi giáo là khủng bố đâu. Chỉ một thiểu số cuồng tín trong Hồi giáo thôi.
Nhìn cho kỹ, thực tế là vậy. Thiên hạ không sợ đụng chạm mấy ông Công giáo hay mấy ông Phật giáo vì biết họ sẽ không làm gì, nhưng lại sợ mấy ông Hồi giáo, sợ cái thiểu số cuồng tín Hồi giáo.
Nhiều người đặt vấn đề tự do ngôn luận lên hàng đầu. Đây cũng chỉ là một “diện” khác của cuộc chiến, không phải “điểm”. Mấy anh khủng bố chẳng bao giờ thắc mắc chuyện tự do ngôn luận hay không. Đó là ưu tư của trí thức Tây Phương. Đánh Charlie Hebdo vì báo đó đã cho chúng một cái cớ. Không có Charlie Hebdo, khủng bố vẫn có cớ khác để đánh đâu đó.
Báo cấp tiến The Guardian của Anh bình luận khối Hồi giáo nổi điên chống Âu-Mỹ chỉ vì Âu-Mỹ đã lợi dụng vụ 9/11 để đánh chiếm Trung Đông của họ cùng lúc với việc tung ra phong trào bôi bác Hồi giáo. Giải thích như vậy thì làm sao giải thích 9/11 khi Bush chưa mang lính Mỹ đi đánh ai hết đã bị đánh chí tử?
Cuộc chiến của khủng bố thật ra, đã biến thể lần thứ hai. Không còn là một cuộc chiến chống Mỹ nữa, mà biến thành một cuộc “thánh chiến” nhằm áp đặt một hệ phái Hồi giáo cực đoan trên thế giới. Có nghiã là các nhóm khủng bố bây giờ đã chuyển qua cuộc chiến tranh dành ảnh hưởng tôn giáo và chính trị, từng bước tìm cách thống trị thế giới. Đưa đến sự ra đời của các tổ chức như ISIS. Đã thành một cuộc chiến ý thức hệ lẫn lộn gồm cả chính trị lẫn tôn giáo. Ta không nên quên trong Hồi giáo, chính trị và tôn giáo luôn luôn song hành cùng nhau như răng với môi.
Và cái nguy hiểm là cuộc chiến này đang diễn ra trên nhiều mặt trận. Một mặt là các cuộc chiến lớn, lấn đất dành dân bằng vũ lực quy mô, với cả ngàn quân dàn trận với chiến xa, đại bác,... như tại Iraq, Afghanistan, Syria, Libya. Mặt khác là những rao rảng nẩy lửa, nhắm kích động tín đồ của các giáo sĩ Hồi trên khắp thế giới, kể cả ngay tại Mỹ và các nước Tây Phương. Mặt khác nữa, qua những hành động của các cá nhân cuồng tín kiểu đột kích Charlie Hebdo.
Để rồi ta có thể kết luận như thế nào? Phải đối phó như thế nào?
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc viện lý do an ninh cá nhân nên TT Obama đã không tham gia diễn hành tại Paris. Thật ra, TT Obama không chết nhát đến độ đó. Một nhà báo Mỹ, Byron York (Washington Examiner), giải thích sự vắng mặt của TT Obama không phải vì “sợ” cho an ninh cá nhân, mà vì đó là “chính sách”, cố giảm thiểu tầm mức quan trọng của cuộc chiến chống khủng bố. Có người sẽ ca ngợi đó là cách đối xử “thâm trầm như các nhà triết học Đông Phương”. Có người sẽ nhìn đó như đà điểu cố vùi đầu dưới cát trốn tránh một sự thật ngày càng lộ liễu.
Toàn thể chính sách của Nhà Nước Obama là tránh đụng chạm, nể mặt mấy ông Hồi giáo tối đa. Cũng chỉ vì chữ “sợ”, không hơn không kém. Sợ mấy ông ấy gia tăng chiến cuộc tại Trung Đông chẳng những chết thêm lính Mỹ mà còn khiến chuyện rút quân khó biện minh hơn. Sợ mấy ông ấy mang bom tự sát vào Mỹ. Sợ đến độ cả chính quyền đại cường, không một ai dám xuất hiện sát cánh cùng với cả triệu dân Pháp và hơn bốn chục vị lãnh đạo thế giới đi diễn hành tại Paris để nói câu “tôi không sợ khủng bố”. Sau 9/11, TT Pháp là vị nguyên thủ đầu tiên đến Mỹ yểm trợ đồng minh. Sau vụ Charlie Hebdo, 44 vị nguyên thủ đến ủng hộ Pháp. Ngoại trừ TT Mỹ.
Chẳng phải Nhà Nước Obama không, mà toàn thể khối truyền thông dòng chính cấp tiến cũng run sợ, tuyệt đối không dám đăng lại những hý hoạ của Charlie Hebdo. Cũng may chưa thấy New York Times đăng bài yêu cầu chính phủ Pháp xin lỗi hai tên khủng bố, như đã đòi chính phủ Mỹ xin lỗi tù Guantanamo. Kẻ viết này thấy những hý hoạ của Charlie Hebdo lố bịch, đi quá mức diễu dở, mang tính xúc phạm quá đáng. Nhưng đó là chuyện tự do ngôn luận. Không ai có thể cấm Charlie Hebdo làm chuyện ngu xuẩn, lố bịch. Quyết định cuối cùng là của độc giả. Không ai hưởng ứng mua báo thì báo sẽ tự chết. Còn người mua và đọc thì báo còn có quyền tự do ngôn luận.
Trận chiến này đến ngày nay đã trở thành một thứ thế chiến thứ ba, với quân Hồi giáo cực đoan tấn công cả thế giới bằng đủ mọi phương tiện bạo lực, luôn cả không bạo lực, qua các phương tiện truyền thông mới ra đời qua internet như trang mạng, email tập thể, Facebook, Twitter,...
Thế giới cần thức tỉnh trước hiện tượng này, trực diện vấn đề, nhìn cho rõ đối phương và áp dụng đúng chiến lược chiến thuật cần thiết để hạ chúng, có nghiã là phải công khai tuyên chiến chống khối Hồi giáo cuồng tín của một thiểu số đầy tham vọng tôn giáo và chính trị trên cả thế giới. Và sử dụng mọi phương tiện có thể có. Chính phủ Pháp vừa chính thức “tuyên chiến”, nhưng lại chỉ tuyên chiến với “khủng bố”, vẫn chưa dám đụng đến cái đuôi “Hồi giáo”.
Bây giờ là lúc phải thay đổi chiến lược quân sự, khai thác sức mạnh quân sự của Mỹ và đồng minh để diệt đứt các nhóm khủng bố. Chẳng hạn bắt đầu bằng việc dùng vũ lực đuổi ISIS ra khỏi các giếng dầu lửa Iraq để triệt tiêu nguồn tài chánh bất tận của chúng. Diệt hẳn ISIS thì không dễ chút nào, nhưng đuổi ra khỏi những vùng mỏ dầu là chuyện quân lực Mỹ thừa sức làm. Cùng lắm thả bom phá nát các dàn khoan dầu đang bị chiếm là xong.
Tất cả các thanh niên Hồi giáo hay Ả Rập đi qua Trung Đông đều có thể bị tình nghi và điều tra, nếu bị bắt tại mặt trận thì phải coi đó là tù binh thù nghịch, bắt nhốt mà không thể mang ra tòa dân sự. Cho dù phe cấp tiến có phản đối, gọi là vi phạm dân quyền. Hàng ngàn thanh niên Âu Mỹ đã đầu quân ISIS để đánh xứ của họ, và như vậy đã từ bỏ mọi quyền công dân rồi.
Ngoại trưởng Kerry cũng phải dám đi “nói chuyện” với vua Ả Rập Saud. Vương quốc này chủ trương phát động một thuyết Hồi giáo cực đoan chống Mỹ và Tây phương không thua gì al Qaeda, gọi là Wahhabism. Có tin một phần phúc trình về vụ 9/11 đã bị cả hai chính quyền Bush và Obama dấu nhẹm vì tố giác vai trò yểm trợ tài chánh của Vương Quốc Ả Rập cho al Qaeda và những không tặc đánh vụ 9/11 khi cả 19 tên đều là công dân Ả Rập Saud. Đã đến lúc Mỹ phải nói thẳng với mấy ông vua Ả Rập. Với mức sản xuất dầu của Mỹ cũng sự giảm giá của dầu trên thế giới, Mỹ bây giờ có thể có tiếng nói mạnh hơn với mấy ông vua dầu hỏa.
Mặt trận chiến tranh tâm lý còn quan trọng hơn gấp bội: vận động khối cả tỷ người Hồi giáo. Cần phải vạch bộ mặt thật của các nhóm khủng bố cuồng tín, gọi cho đúng tên là khủng bố Hồi giáo cuồng tín đang làm chuyện phá đạo của họ, chính là chúng đang hại đạo của họ. Như Thủ Tướng Anh đã làm vì không sợ “cái đuôi Hồi giáo”.
Gọi các nhóm khủng bố là Hồi giáo sẽ giúp cho khối Hồi giáo thấy rõ những nhóm khủng bố cuồng tín này là những con sâu trong nồi canh của họ, mà chính họ cần gắp ra. Vai trò của các vị lãnh đạo Hồi giáo cần phải tích cực hơn nữa trong việc rao rảng những chủ trương ôn hoà và lên án những hành động cuồng tín man rợ như cứa cổ con tin. Chẳng những lên án, mà còn phải có những quyết định mạnh hơn như khai trừ ra khỏi đạo. Các giáo sĩ Hồi giáo không làm được những chuyện này thì khó tránh khỏi chuyện liên đới trách nhiệm khi dung túng những hành động cuồng tín tàn ác.
Thế giới trong những ngày tới sẽ căng thẳng hơn nữa. Cuộc tấn công Charlie Hebdo một mặt đánh thức một số dân Âu Mỹ trước giờ vẫn bàng quang đứng ngoài nhìn, bây giờ đã trở thành diễn viên miễn cưỡng, bắt buộc phải có thái độ rõ rệt hơn. Cả triệu người xuống đường tuần hành tại Paris đã là bước đầu, sẽ còn tiếp với các phong trào quốc gia cánh hữu bài ngoại ngày một lớn mạnh. Mặt khác cuộc tấn công cũng sẽ có thể kích động thanh niên Hồi giáo cuồng tín muốn theo gương, đi tìm đường làm thánh tử đạo, hay tham gia vào các tổ chức khủng bố như al Qaeda hay ISIS.
Nước Mỹ và cả thế giới đang hướng về một tương lai đầy thử thách nguy hiểm. Đây là lúc TT Obama cần chứng tỏ tài lãnh đạo trong tình thế dầu sôi lửa bỏng của thế giới ngày nay, không phải là lúc làm... diện bích thiền sư, thâm trầm suy tư cho đến ngày ISIS gõ cửa Tòa Bạch Ốc. (18-01-15)
Vũ Linh